02:12 10/02/2019

Không kích 'cảnh cáo' máy bay đang cất cánh ở Libya

Quân đội của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông Libya cho biết đã thực hiện một cuộc không kích "cảnh cáo" nhằm vào một chiếc máy bay đang cất cánh gần một mỏ dầu ở miền Nam nước này ngày 9/2.  

Chú thích ảnh
 Các lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar tuần tra tại thành phố Sebha, miền nam Libya, ngày 9/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, cuộc không kích này nhằm vào mỏ dầu Al-Fil, cách thủ đô Tripoli 750 km về phía Tây Nam, nơi một máy bay dân sự 90 chỗ đang chuẩn bị cất cánh về phía Tripoli. Máy bay bị tấn công là chiếc Bombardier CRJ 900 của hãng hàng không Libyan Airlines. Các phương tiện truyền thông dẫn lời các sĩ quan quân đội thuộc lực lượng trên cho biết đây chỉ là một "cuộc tấn công cảnh cáo" không gây thiệt hại. 

Tại thủ đô Tripoli, Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ mô tả cuộc tấn công trên là "hành động khủng bố" và là "tội ác chống lại loài người". GNA cho biết thêm máy bay trên đang chở những người bị thương, song không nêu rõ danh tính hoặc lý do những người này bị thương. GNA tuyên bố sẽ thông báo vụ việc cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về "sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế này".  

Trước đó ngày 8/2, quân đội của Tướng Hafta tuyên bố cấm các máy bay hạ cánh hoặc cất cánh tại những sân bay ở khu vực phía Nam trừ phi có sự cho phép của lực lượng này trong nỗ lực tiếp tục chiến dịch chống khủng bố trong khu vực. Kể từ giữa tháng 1/2019, lực lượng trên đã tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm "thanh trừng các nhóm khủng bố và tội phạm miền Nam Libya". Quân đội của Tướng Hafta tuyên bố vừa chiếm lại mỏ al-Charara, một trong những mỏ dầu lớn nhất nước này, ở Tây Nam Libya.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA được LHQ ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.

Tấn Đạt – Nguyễn Hằng (TTXVN)