04:14 18/04/2017

Không gian đọc đặc biệt của chàng trai khuyết tật

Vượt lên số phận, chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ (tổ 35, phường Trần Lãm, TP Thái Bình) đã cùng gia đình kêu gọi, tìm sự giúp đỡ để xây dựng một không gian đọc đặc biệt với tên gọi “Hy vọng”, để kết nối và lan tỏa niềm đam mê ấy đến nhiều bạn trẻ.

Chiều cuối tuần có lẽ là thời gian vui nhất với anh Đỗ Hà Cừ, bởi đây là thời điểm nhà anh có nhiều độc giả đến mượn sách và anh sẽ có bạn cùng nói chuyện. Anh Cừ là con cả trong gia đình. Năm nay đã 33 tuổi, song do di chứng của chất độc màu da cam, anh bị liệt, chỉ có thể nằm co quắp với một tư thế, bàn tay không thể cầm nắm được bất kỳ vật dụng nào. Hơn ba mươi năm nay, thế giới xung quanh anh chỉ là góc nhỏ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào những người thân trong gia đình.

Mỗi lần nói chuyện, anh Cừ đều phải gồng sức mình. Dù câu chuyện giữa chúng tôi đôi lần phải ngắt quãng khi anh thấy mệt nhưng ai cũng cảm nhận được sự cởi mở, thích giao tiếp của anh. Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, mẹ anh Cừ kể, vì phải nằm một chỗ nên Cừ luôn thích có người để nói chuyện cùng. Có khi Cừ cố trườn ra ngoài chỉ để được nhìn thấy cuộc sống xung quanh…Chuyện anh kể cũng rất đa dạng từ niềm đam mê bóng đá, kỷ niệm chuyến đi xa đến cuốn sách đầu tiên được đọc hay những vần thơ nghĩa tình, mộc mạc về mẹ và cuộc sống. Câu chuyện nào cũng thú vị và nghị lực như chính con người anh.

Không gian đọc “Hy vọng” của anh Đỗ Hà Cừ là địa chỉ quen thuộc của học sinh tại TP Thái Bình.

Anh Đỗ Hà Cừ biết đến những chữ cái đầu tiên khi đã 15 tuổi. Người thầy đầu tiên của anh chính là mẹ anh. Sự ham học hỏi và kiên trì của hai mẹ con sớm mang lại thành quả, anh đã đọc được từng mẩu truyện ngắn cho đến những cuốn truyện dài kỳ. Biết đọc chính là niềm vui lớn với người khuyết tật như anh. Đây cũng chính là con đường dẫn anh đến với không gian đọc đặc biệt hôm nay.

Anh chia sẻ, lúc nào anh cũng thích có sách trong nhà để đọc. Hoàn cảnh gia đình anh còn khó khăn, anh thường nhờ mẹ lấy những cuốn sách giáo khoa của em trai và mượn thêm sách, báo để đọc. Do bàn tay của anh chỉ có một ngón có thể cử động, khó khăn giở từng trang nên sách anh mượn về thường bị nhàu, hỏng nhiều người vì thế cũng không “vui vẻ” khi cho mượn. Bởi vậy, anh luôn mong mình có một tủ sách nho nhỏ, thỏa mơ ước được tiếp cận nhiều hơn với cuộc sống bên ngoài. Với anh, sách giống như đôi chân của chính mình, giúp anh bước ra thế giới rộng lớn - điều mà hơn 30 năm nay anh luôn mong mỏi thực hiện.

Do khó khăn cử động, việc phục vụ nhu cầu đọc sách của anh Đỗ Hà Cừ cũng rất đặc biệt. Để anh có điều kiện tiếp xúc với bạn bè, gia đình đã mua cho anh chiếc máy tính cài chức năng bàn phím ảo. Hàng ngày, anh tập làm quen với cách điều khiển con chuột máy tính. Mặc dù khó khăn, anh không nản lòng. Dần dần, anh Cừ cũng sử dụng được những thao tác cơ bản trên máy tính.

Vượt qua khó khăn của bản thân, anh Đỗ Hà Cừ luôn dành tình yêu với những trang sách.

Qua internet, anh Cừ đã liên hệ, vận động được với một số tổ chức, cá nhân ủng hộ sách, báo. Đến tháng 7/2015, không gian đọc mà anh mơ ước đã ra đời với tên gọi “Hy vọng”. Từ những ngày đầu thành lập với nhiều khó khăn, đến nay không gian đọc “Hy vọng” đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều học sinh tỉnh Thái Bình với trên 2.000 đầu sách, đa dạng từ truyện thiếu nhi đến sách tham khảo phổ thông, tiểu thuyết, sách lịch sử.

Không gian đọc "Hy vọng" đã cấp 300 thẻ đọc, mượn miễn phí cho độc giả. Mỗi chiều cuối tuần, những người đam mê sách tại TP Thái Bình lại tìm đến đây để được trao đổi, mượn sách và gặp gỡ, trò chuyện với chàng trai nghị lực Đỗ Hà Cừ. Ngoài giờ học, nhiều học sinh tự nguyện làm các tình nguyện viên, giúp đỡ anh Cừ nhập sách mới, sắp xếp giá sách hay ghi sổ danh sách độc giả mượn, trả sách.

Anh Cừ tâm sự, từ ngày có không gian đọc anh thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Lan tỏa đam mê đọc sách, xa hơn là hình thành văn hóa đọc cho mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên hiện nay chính là mục tiêu anh Cừ hướng đến.

Từ không gian đọc “Hy vọng”, anh Đỗ Hà Cừ đã trở thành cầu nối giúp hình thành 3 không gian đọc tại Thái Bình và Bắc Ninh, trong đó có không gian đọc “Niềm tin” của em Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1994) - một người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Không chỉ đam mê đọc sách, anh Cừ còn làm thơ. Những vần thơ giản dị của anh được mẹ ghi lại, đến nay đã có hơn 100 bài. Hiện anh Cừ và mẹ đang cùng hoàn thành tập tự truyện kể về những khó khăn từ khi anh sinh ra, lớn lên và thành quả hôm nay. Cuốn tự truyện là cuộc hành trình nghị lực của anh Cừ với không gian đọc “Hy vọng” mang ý nghĩa xã hội cao cả. Anh là tấm gương “tàn nhưng không phế” rất đáng trân trọng.

Bài, ảnh: Thu Hoài (TTXVN)