10:15 03/10/2017

Không giảm bội chi ngân sách, nợ công có thể vượt trần 65% GDP

Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 3/10 có nêu: Chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao.

Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn


Theo đó, tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN), bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 (giai đoạn trước con số này là 28,9%) - là mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CTV.

Bản báo cáo được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dư địa tài khóa bị thu hẹp, bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao có ảnh hưởng đến khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Từ đó, giúp Chính phủ có thêm căn cứ để xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là xử lý tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Theo thống kê, tốc độ tăng thu trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá), tuy vẫn tích cực, nhưng đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ thu từ NSNN so GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011 - 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%) và các khoản thu về đất (2,5% xuống còn 1,7%).

Báo cáo cũng chỉ ra, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011 - 2015, cao hơn so với tỷ lệ 63:37 của thời kỳ 2006 - 2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay.

Chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu NSNN, nhưng vẫn được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Nếu so với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ NSNN chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006 - 2010.

"Hiến kế" quản lý nợ công hiệu quả

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP; phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.

“Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương. Báo cáo đã đưa ra được các khuyến nghị cụ thể về các lựa chọn chính sách để thực hiện mục tiêu này”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Văn phòng WB tại Việt Nam, đánh giá này được thực hiện vào thời điểm Việt Nam đang đứng trước những sự lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng. Ông cũng hy vọng báo cáo sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cân nhắc các kế hoạch, chính sách phát triển, tài chính và ngân sách trung hạn trong thời gian tới.

Đến cuối năm 2016, quy mô nợ công đã vượt mức 60% GDP và tiệm cận giới hạn Quốc hội cho phép là 65% GDP, trong khi đó nợ Chính phủ đã phá mức “trần” 50% GDP. Vì vậy nhiều chuyên gia lo ngại: Nếu không có biện pháp quản lý vay và sử dụng nợ vay có hiệu quả thì dự báo về quy mô nợ công có thể giảm tỷ lệ so với GDP sau khi đạt đỉnh vào năm 2017 - 2018 vẫn có thể cách xa thực tế.

TS. Vũ Đình Ánh cho hay: Để quản lý nợ công có hiệu quả thì cần có một hệ thống luật pháp đồng bộ, hữu hiệu nhằm đảm bảo hiệu quả từ việc xây dựng kế hoạch vay trả nợ, đàm phán đến phân bổ, sử dụng nợ và và thanh toán nghĩa vụ nợ, cả nợ gốc cũng như nợ lãi vay. Trong đó, quan trọng và cấp bách nhất là hoàn thiện thể chế để quản lý nợ công.


“Tất cả quy trình quản lý nợ công trên đều thực hiện theo sự phân công, phân nhiệm của Chính phủ và sẽ thông suốt khi Chính phủ thực hiện tốt vai trò thống nhất quản lý đối với nợ công và phối hợp đồng bộ hoạt động của các bộ, ngành có liên quan tới nợ công”. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại xuất hiện hiện tượng cắt khúc, thiếu phối kết hợp trong quản lý, đùn đẩy trong quản lý và sử dụng nợ công. Tình trạng thiếu thống nhất giữa vay nợ, sử dụng khoản nợ vay và trả nợ vay diễn ra cả trong hạch toán sổ sách, hệ thống thông tin quản lý nợ công lẫn đánh giá giám sát hiệu quả sử dụng từng khoản nợ vay và bố trí nguồn trả nợ vay hợp lý”, TS Ánh nói.


Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Chính phủ nên giao toàn bộ trách nhiệm quản lý nợ công về một đầu mối là Bộ Tài chính; giao quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Khi đó, sẽ nâng cao được vai trò, trách nhiệm và có cơ sở truy cứu đến cùng việc quản lý nợ công.


Nhà nước cần mạnh dạn đổi mới cách thức quản lý nợ công với những giải pháp hữu hiệu, thì nợ công sẽ trở thành lực đẩy cần thiết mang tính nền tảng để hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng nước ta hoàn chỉnh; đồng thời, sẽ có tác động tích cực đến việc lành mạnh hóa NSNN và đảm bảo cấu trúc an ninh tài chính Quốc gia.


Liên quan tới vấn đề này, TS. Trần Ngọc Hoàng (Đại học Lạc Hồng) hiến kế: Để đảm bảo chỉ số nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không vượt quá 25% tổng thu NSNN hàng năm, từng bước giảm dần quy mô nợ công khoảng 60% GDP vào năm 2030 (theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV), cần đổi mới nợ công trước tiên phải gắn liền với tái cơ cấu NSNN theo hướng lành mạnh hóa và ổn định, đó là: giảm dần bội chi NSNN đến năm 2020 về dưới 4% GDP; cơ cấu lại chi NSNN theo hướng giảm và tiết kiệm chi thường xuyên, bằng cách cương quyết tinh giảm biên chế trong bộ máy nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi từ chế độ biên chế sang hợp đồng đối với các đơn vị sự nghiệp công, đầy mạnh dịch vụ sự nghiệp công, qua đó, thu hẹp phạm vi và giảm bớt gánh nặng chi thường xuyên cho NSNN.


Minh Phương/Báo Tin Tức