07:22 17/07/2015

Không được chi trả BHYT, người bệnh vẫn vượt tuyến

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và khuyến khích người dân khám, chữa bệnh đúng tuyến để được hưởng quyền lợi cao nhất, từ ngày 1/1/2015 theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) bổ sung, các trường hợp khám trái tuyến ngoại trú sẽ không được thanh toán BHYT.

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và khuyến khích người dân khám, chữa bệnh đúng tuyến để được hưởng quyền lợi cao nhất, từ ngày 1/1/2015 theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) bổ sung, các trường hợp khám trái tuyến ngoại trú sẽ không được thanh toán BHYT. Sau nửa năm thực hiện quy định mới này, người dân vẫn "bất chấp" quy định, vượt tuyến khám bệnh vì thiếu lòng tin vào cơ sở y tế tuyến dưới.

Chuyển sang khám dịch vụ

Gần 10 giờ trưa, bệnh nhân chen chúc trong khoa khám bệnh của bệnh viện Nhi Trung ương. Thấy con có biểu hiện sốt cao, người nổi nhiều nốt đỏ, bị tiêu chảy mệt lả, từ 5 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Nhung đã bắt xe khách từ Bắc Giang cho con lên khám. Chị Nhung mệt mỏi chia sẻ: “Nhà tôi cách đây 50 km, đi về được trong ngày, nên tôi cho cháu lên thẳng viện Nhi Trung ương khám cho yên tâm. Cũng xác định là lên tuyến trên không được khám bảo hiểm, nhưng phí khám dịch vụ tự nguyện cũng không quá cao, mà bác sĩ tuyến trên có chuyên môn tốt hơn”.

Tỉnh trạng người dân khám bệnh vượt tuyến vẫn không giảm, sau hơn nửa năm thực hiện quy định không chi trả BHYT khi khám bệnh vượt tuyến.


Ths. Bác sĩ Lê Xuân Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Hiện nay bệnh viện vẫn đang tiếp nhận trung bình 2.700 - 3.000 bệnh nhân/ngày, trong số đó chỉ có khoảng 10% khám dùng thẻ BHYT, còn lại là khám dịch vụ tự nguyện. Đã xác định khám dịch vụ nên nhiều người sẵn sàng vượt tuyến”.

Chị Nguyễn Thị Hương, quận Bình Thạnh: “Đối với quy định mới vừa qua, tôi thấy quyền lợi của người dân chúng tôi đang bị thu hẹp. Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là BHYT vẫn nên thanh toán 30% cho những người đi khám bệnh vượt tuyến. Bởi chẳng có người dân nào muốn phải đi khám bệnh xa, phải chen chúc chờ đợi, nhưng vì các bệnh viện tuyến huyện chữa không khỏi, họ đành phải lên các thành phố để rút ngắn thời gian điều trị hay phát hiện bệnh sớm hơn”.

Có con đang nằm tại Khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, chị Trần Diệu Thu, ở Bình Dương, chia sẻ: “Đưa cháu đến khám ở bệnh viện dưới tỉnh, bác sỹ cho cháu uống thuốc cả tuần mà không hết bệnh, nên vợ chồng tôi đưa cháu lên đây khám bệnh. Khám xong bác sỹ cho nhập viện luôn nằm ở bệnh viện đến nay cũng được 3 ngày rồi, cháu cũng đỡ nhiều”. Chị Thu cho biết thêm, biết khám bệnh vượt tuyến không được chi trả, nên gia đình đặt luôn khám bệnh dịch vụ chất lượng cao, với giá 250.000 đồng/lần khám.

Bác sỹ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc bệnh viện Ung bướu cho biết: Kể từ khi thực hiện quy định, không thanh toán BHYT khi người bệnh khám trái tuyến, lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ở viện vẫn không giảm. Trong khi đó, ở khoa khám bệnh, số lượng bệnh nhân đến khám có BHYT giảm đáng kể chỉ còn 43%. Có lẽ do người dân biết họ không được chi trả khi khám bệnh vượt tuyến nên không trình thẻ BHYT. Chỉ khi nào phát hiện mắc bệnh phải điều trị lâu dài, thì mới trình thẻ BHYT.

Nâng cao năng lực tuyến dưới

Hiện nay, theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, mạng lưới y tế được chia làm 4 cấp độ: Tuyến y tế phường - xã, quận - huyện, tỉnh - thành phố và tuyến Trung ương. Theo luật BHYT sửa đổi, người bệnh khi khám không đúng tuyến sẽ không được thanh toán tiền, nhằm khuyến khích người mắc bệnh nhẹ, không nguy hiểm, đến nơi khám bệnh ban đầu là các tuyến y tế phường xã, quận huyện, không phải lên tuyến trên vừa tốn kém chi phí vừa mất thời gian đi lại góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và để các bệnh viện này tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn. Khi mức độ bệnh tật không thuộc tuyến chuyên môn kỹ thuật của các bệnh viện đang điều trị, thì trách nhiệm của bệnh viện đó phải chuyển bệnh nhân kịp thời lên tuyến trên.

Bác sỹ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện nay hầu hết các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của thành phố đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Lý do chính để không thanh toán bảo hiểm khám bệnh vượt tuyến cũng là giải quyết tình trạng quá tải càng lúc càng nghiêm trọng ở các bệnh viện tuyến cuối cả ở các tỉnh và đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh. Xét về vĩ mô đây là quyết định đúng và cũng theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, để người dân không vượt tuyến, thì các bệnh viện ở tuyến phường xã, quận huyện phải không ngừng nâng cao năng lực khám chữa bệnh để người dân tin tưởng và yên tâm khám bệnh.

Theo Bộ Y tế, hiện nay đã có 48 BV vệ tinh của 37 tỉnh, thành đã hoạt động khá hiệu quả dưới sự trợ giúp của các bệnh viện hạt nhân cấp trung ương, nhiều bệnh viện tuyến dưới ở các tỉnh đã nâng cấp về kỹ thuật y tế như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lâm Đồng... Thời gian tới Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh, và tăng số lượng bệnh viện vệ tinh. Với những nỗ lực nâng cấp các bệnh viện tuyến dưới trong thời gian tới, hy vọng sẽ tạo nhiều thuận lợi để người bệnh có thể tiếp cận các kỹ thuật y tế cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới, đồng thời được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.

Đan Phương - Tạ Nguyên