07:23 11/07/2016

Không để xảy ra bức xúc trong đăng ký, quản lý hộ tịch

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch theo luật mới, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại địa phương, không để xảy ra tình trạng bức xúc trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra sáng 11/7 tại Hà Nội.

Theo báo cáo số liệu đăng ký hộ tịch trên cả nước 6 tháng đầu năm 2016, các UBND cấp xã đã đăng ký khai sinh cho trên 880.000 trẻ em (trong đó khoảng 81% đăng ký đúng hạn); đăng ký kết hôn cho 357.000 cặp vợ chồng; đăng ký khai tử cho hơn 267.000 trường hợp. Các UBND cấp huyện đã đăng ký khai sinh cho khoảng 2.500 trẻ em; đăng ký kết hôn cho 2.086 cặp vợ chồng và đăng ký khai tử cho 139 trường hợp tử vong có yếu tố nước ngoài. Trong 6 tháng, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết trên 1.000 trường hợp nuôi con trong nước và hơn 250 trường hợp nuôi con có yếu tố nước ngoài. “Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân”, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh.

Luật Hộ tịch đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân. Ảnh: moj.gov.vn

Tuy nhiên, theo phản ánh của các Sở Tư pháp, các địa phương hiện còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng một số nội dung liên quan đến nghiệp vụ hộ tịch như: việc cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau hay đối tượng phải ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn/hủy kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (ghi chú ly hôn); lệ phí đăng ký hộ tịch...

Cụ thể, về việc cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, trước hết cá nhân có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình, nhất là đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau. Nếu người dân tự chứng minh được, sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi để thúc đẩy việc cấp xác nhận nhanh hơn. Trường hợp người dân khó khăn trong việc tự chứng minh về tình trạng hôn nhân (do không nhớ rõ địa chỉ, không có giấy tờ chứng minh...), thì UBND cấp xã (nơi nhận hồ sơ) có văn bản đề nghị nơi thường trú trước đây xác minh. Nếu công dân có thời gian cư trú ở nước ngoài, nay đã về Việt Nam thì cũng phải xác minh tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài (bằng cách xác minh qua Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). 

Tuy nhiên, bằng những cách nêu trên mà vẫn không có kết quả, thì Thông tư 15/2015/TT-BTP cũng đã dự liệu và có quy định linh hoạt để xử lý: Nếu hết thời hạn mà UBND cấp xã được yêu cầu không trả lời kết quả xác minh, thì cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình và phải chịu trách nhiệm về việc cam đoan không đúng sự thật. “Quy định như vậy vừa bảo đảm quyền lợi của công dân, vừa đề cao trách nhiệm của công dân và cơ quan nhà nước trong việc xác nhận đúng tình trạng hôn nhân của công dân, ngăn ngừa việc lợi dụng xác nhận không đúng nhằm mục đích vụ lợi, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan”, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh khẳng định.

 Đối với đối tượng phải ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn/hủy kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (ghi chú ly hôn), ông Nguyễn Công Khanh nêu rõ: Cũng theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP, đối tượng phải làm thủ tục ghi chú ly hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Qua đó được hiểu không “ghi chú ly hôn” đối với người nước ngoài.

Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng khi áp dụng đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã ly hôn, nay về Việt Nam kết hôn mới, thì có phải ghi chú ly hôn hay không. Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Công Khanh cho biết, liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài là liên quan đến vấn đề xác định quốc tịch. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, trong khi Luật Quốc tịch Việt Nam (và các văn bản hướng dẫn thi hành) còn nhiều khoảng trống, chưa xử lý được). Do đó, thời gian tới, trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc qua thời gian thực hiện pháp luật quốc tịch, Bộ sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2008 một cách bài bản để có thể giải quyết được tổng thể các vấn đề pháp lý (về dân sự, hôn nhân và gia đình, công pháp - tư pháp quốc tế…) liên quan đến quốc tịch.
Thu Phương