05:19 21/05/2019

Không để tồn đọng, sai sót trong thực hiện chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học

Ngày 21/5, Đoàn kiểm tra Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng về việc thực hiện Chỉ thị số 43 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam phát biểu. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 4.000 người đã trực tiếp tham gia hoạt động tại các chiến trường B, C, K (Chiến trường miền Nam, biên giới Việt Nam - Lào, biên giới Việt Nam - Campuchia) bị phơi nhiễm chất độc hóa học. 100% những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học đều là cựu chiến binh, thanh niên xung phong hoặc tham gia kháng chiến. Đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ cho 820 trường hợp nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 460 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 360 người bị ảnh hưởng gián tiếp.

Việc củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên ở các địa phương luôn được quan tâm. Toàn tỉnh có 6 Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện, thành phố và 29 Hội cấp xã, phường, thị trấn; Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh Cao Bằng có 1.641 hội viên..

Ông Chu Đức Phan, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều người không còn giấy tờ (hồ sơ) để chứng minh đã có thời gian hoạt động tại vùng có chất độc hóa học. Để xác minh các đối tượng nhiễm chất độc hóa học, Hội Cựu chiến binh đã triển khai xuống cơ sở để xác minh; đồng thời tiếp tục tiến hành giải mã phân hiệu đơn vị cho các đội tượng phơi nhiễm chất độc hóa học. Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng đề nghị Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin nghiên cứu để có chế độ chính sách cho thế hệ thứ 2, 3 của nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin; xem xét việc bổ sung các danh mục bệnh tật (ảnh hưởng của chất độc hóa học đối với mắt, các bộ phận khác của cơ thể thông qua đường ăn uống và các loại bệnh khác theo Thông tư số 41 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) với người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

Ông Lãnh Xuân Huyên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng cho rằng để xác minh các đối tượng thiếu hồ sơ cần tăng thẩm quyền, chính sách cho cán bộ cấp xã khi đi thẩm định; chỉ đạo các quân khu, sư đoàn thành lập các ban bộ phận để xác nhận đơn xin hưởng chế độ cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó, xây dựng các căn cứ để giải quyết chế độ cho thế hệ thứ 3 của nạn nhân nhiễm chất độc hóa học.

Lãnh đạo Hội nạn nhân chất độc màu Da cam/dioxin tỉnh Cao Bằng cho biết, các Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện trên địa bàn tỉnh đang thiếu kinh phí hoạt động, một số Hội cơ sở có nguy cơ giải thể; đề nghị Tỉnh ủy Cao Bằng cần có chính sách để cấp kinh phí hoạt động cho các Hội cấp huyện, Hội cấp xã, phường, thị trấn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cần tiếp tục phối hợp để củng cố, duy trì hoạt động tốt hơn các tổ chức Hội Nạn nhân chất độc màu Da cam/dioxin cấp huyện, cấp xã; nắm tình hình, thống kê, tổng hợp các đối tượng chưa được hưởng chế độ chính sách; nêu cao trách nhiệm, không được để tồn đọng, sai sót trong thực hiện chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc hóa học…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; thực hiện đầy đủ, kịp thời, tránh sai sót các chế độ, chính sách đối với các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học; vận động các tổ chức, người dân hưởng ứng các phong trào, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tập trung xây dựng hội vững mạnh, tập trung vào việc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Chu Hiệu (TTXVN)