04:21 05/04/2017

Không dễ thu phí tác quyền karaoke

Việc Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) thông báo sẽ thu phí bản quyền, quyền liên quan tại các tụ điểm kinh doanh karaoke khiến nhiều người băn khoăn, bởi đây là chuyện không dễ làm.

Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) có văn bản ủy quyền Trung tâm cấp phép và quản lý quyền (trực thuộc RIAV) tiến hành thu phí bản quyền, quyền liên quan đến các bản ghi thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV đang được sử dụng tại các tụ điểm kinh doanh karaoke, với mức phí là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy trong thời hạn 1 năm.

Việc thu phí bản quyền, quyền liên quan tại các tụ điểm kinh doanh karaoke là chuyện không dễ.


Theo bà Trương Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch thường trực RIAV, dự kiến đến đầu tháng 7/2017, việc thu phí bản quyền sẽ được tiến hành. Số tiền thu được sẽ dùng để chi trả các chi phí hoạt động của văn phòng Hiệp hội (10%), Sở văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh (5%), còn lại trả trực tiếp cho các chủ sở hữu. Cũng theo bà Dung, thực tế có tình trạng các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV (khoảng 3.000 - 5.000 bản) vào mục đích kinh doanh, nhằm thu lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên Hiệp hội.


Bởi vậy, Hiệp hội đã khuyến cáo khách hàng chấm dứt ngay hành vi xâm phạm bản quyền trong hoạt động kinh doanh của mình, và tuân thủ đúng quy định pháp luật về việc thanh toán phí bản quyền, quyền liên quan khi sử dụng, khai thác sản phẩm bản ghi thuộc quyền quản lý, quyền sở hữu của Hiệp hội.


Thông tin trên của RIAV đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị khi sản xuất chương trình karaoke đã trả tác quyền, chủ cơ sở kinh doanh karaoke phải bỏ tiền mua về sử dụng, giờ lại trả tiền tác quyền nữa là không hợp lý. Với mức phí mà RIAV đưa ra là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy/năm, nếu một đầu máy có 1.000 bài hát, sẽ phải trả 20 triệu đồng/năm.


Một cơ sở có 10 phòng hát, một năm sẽ phải trả khoảng 200 triệu đồng tiền tác quyền/năm. Đây là một con số không nhỏ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke và không mấy ai nguyện ý chi số tiền này. Thêm vào đó, trong số hàng nghìn bài hát, có bài khách chọn hát nhiều, có bài hầu như không có người chọn hát, nếu thu phí đồng đều như vậy thì cơ sở không tránh khỏi thiệt thòi.


Từ góc độ tiêu dùng, nhiều người lo lắng, nếu bị buộc phải trả phí, thì các cơ sở kinh doanh karaoke chắc chắn sẽ lại thu từ khách hàng, và cuối cùng, người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu.


Theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.


Luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng có một thực tế là, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả nói chung, bản quyền trong âm nhạc nói riêng ở Việt Nam đang diễn ra tràn lan, nhiều người vô tư sử dụng các sản phẩm trí tuệ của người khác để kinh doanh mà không nghĩ đến chuyện trả tiền bản quyền. Điều này sẽ khiến việc RIAV thu phí các bài hát thuộc sở hữu của mình trở nên khó khăn.


Theo bà Trương Thị Thùy Dung, để hoạt động này được hiệu quả, Hiệp hội đang thực hiện một lộ trình cụ thể để các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiểu, thực hiện đúng pháp luật, gồm: Gửi công văn thông báo kèm bảng giá thu phí bản quyền, quyền liên quan của bản ghi; trực tiếp xuống cơ sở giải thích, tư vấn; ký hợp đồng. Bên cạnh đó, Hiệp hội đang tích cực làm việc với các đơn vị quản lý hoạt động văn hóa cấp tỉnh, thành phố của các địa phương, để việc phối hợp triển khai việc thu phí được thực hiện đúng lộ trình, đúng đối tượng. Đến nay, đã có gần 10 tỉnh, thành phố đồng thuận cùng Hiệp hội thực hiện việc thu phí này.


Tuy nhiên, để các đơn vị kinh doanh karaoke có thể chấp nhận thực hiện quy định thu phí này là chuyện không dễ dàng, RIAV và các đơn vị liên quan sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, đặc biệt trong vấn đề tuyên truyền để những người kinh doanh karaoke hiểu được và chấp nhận chi trả tác quyền cho các bài hát karaoke mà họ sử dụng.


Phương Hà/Báo Tin Tức