09:21 07/09/2018

Không để phát sinh điểm nóng về môi trường tại Hải Dương

Ngày 7/9, tại thành phố Hải Dương, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các sở, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hải Dương.

Chú thích ảnh
Đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Đánh giá tỉnh Hải Dương đã thực hiện nghiêm túc và cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác tuyên truyền; quan tâm đảm bảo các điều kiện để thực thi chính sách pháp luật trên lĩnh vực khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh cũng chỉ ra một số hạn chế như một số tổ chức, cá nhân, một số địa phương vẫn còn nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa thể hiện rõ trách nhiệm góp sức tham gia bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường mặc dù đã được quan tâm nhưng có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, liên tục. 

Đồng chí Bùi Thị Thanh đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục gắn việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương và nhân dân.

Đồng chí Bùi Thị Thanh đồng thời lưu ý tỉnh Hải Dương cần quan tâm tổ chức tốt việc thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất và sinh hoạt, không để phát sinh điểm nóng về bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, thủ tục về tài nguyên, môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường; tăng cường đối thoại với người dân để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Tại buổi giám sát, các thành viên của Đoàn giám sát đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương làm rõ một số vấn đề như: Việc cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; xử lý các điểm “nóng” về khai thác cát trái phép; việc xử phạt hành chính các hành vi khai thác tài nguyên trái phép liệu đã đủ sức răn đe hay chưa; việc xử lý rác thải nhất là xử lý rác thải ở khu vực nông thôn; xử lý chất thải trong chăn nuôi nhất là ở các cơ sở chăn nuôi tập trung; kết quả xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường; việc công khai kết quả thanh, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên, môi trường...

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các sở, ngành đã giải đáp các nội dung liên quan. Trong thời gian qua, Hải Dương đã ban hành nhiều văn bản, chương trình hành động, đề án nhằm quản lý tài nguyên, khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Để tăng cường công tác quản lý môi trường trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng ký nghị quyết liên tịch và duy trì phối hợp triển khai với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên…; ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công Thương…

Tỉnh thực hiện công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản theo đúng qui định của Nhà nước. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đều tuân thủ đúng giấy phép, thiết kế đã được phê duyệt; từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm bảo vệ môi trường.

Hải Dương cũng đã xây dựng Đề án về phòng, chống khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép và hiện tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã giảm đáng kể, không còn những điểm “nóng”; xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm.

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp 7 giấy phép, gia hạn 9 giấy phép về khai thác khoáng sản; trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 3 giấy phép, gia hạn 1 giấy phép. Tỉnh đã thẩm định hồ sơ cấp mới 149 Sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, cấp lại 99 sổ, nâng tổng số lên 516 cơ sở.

Trong số 10 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có 7 khu đã xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định; còn các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở giết mổ tập trung thì có 2 cơ sở đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 1 cơ sở hoạt động không hiệu quả và đang di dời sang địa điểm khác.

Hải Dương cũng đang tích cực triển khai Đề án “Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”.

Từ năm 2014 đến nay, Hải Dương đã thẩm định, phê duyệt 287 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 73 đề án bảo vệ môi trường chi tiết; cấp giấy xác nhận đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của 89 dự án; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho 25 dự án…

Đối với các kiến nghị của tỉnh Hải Dương, Đoàn giám sát ghi nhận và tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch.

Mạnh Tú (TTXVN)