12:08 13/12/2011

Không để kiểm lâm “đơn thương độc mã”

Muốn ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ, cần xác định đây không phải là trách nhiệm của riêng lực lượng kiểm lâm.

Muốn ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ, cần xác định đây không phải là trách nhiệm của riêng lực lượng kiểm lâm.

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn. Ảnh: An Đăng – TTXVN


Điểm lại những vụ việc kiểm lâm bị tấn công ở một số địa phương, đại diện các chi cục kiểm lâm đều cho rằng tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ địa vị pháp lý của lực lượng kiểm lâm còn hạn chế khi thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, quyền hạn sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ còn hạn chế nên không trấn áp được lâm tặc. “Thậm chí trong đời sống hàng ngày, chúng tôi vẫn nghe các câu nói kiểu: Súng của kiểm lâm không có đạn. Mang súng theo chỉ là hình thức. Thực tế hiện nay, kiểm lâm chúng tôi có được trang bị súng nhưng không dám dùng. Vì quy định rất ngặt nghèo”, đồng chí Trưởng phòng Pháp chế Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhắc lại. Còn với một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị chia sẻ, nhiều lúc truy quét đối tượng mới thấy mười kiểm lâm viên cũng không làm đối tượng sợ bằng một chiến sĩ công an.

Xuất phát từ tình hình này, các địa phương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nghiên cứu cơ chế để tăng quyền năng cho kiểm lâm khi thi hành công vụ. “Gần đây, tôi được biết có Đề án nâng cao năng lực kiểm lâm, trong đó, sẽ xem kiểm lâm là lực lượng cảnh sát lâm nghiệp. Nếu như thế được thì địa vị pháp lý của kiểm lâm sẽ khác”, Trưởng phòng Pháp chế của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa kỳ vọng.

Một thực tế khác là, hiện nay, hầu hết các địa phương đều than phiền lực lượng kiểm lâm còn mỏng. Kiểm lâm địa bàn còn thiếu. Tình trạng một kiểm lâm địa bàn phải kiêm nhiều xã rất phổ biến. Đơn cử, tại Quảng Trị, nếu thực hiện đúng theo tiêu chí, phải có 300 biên chế, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 208 trong đó 44 người đang ký hợp đồng - do địa phương linh động bố trí thêm, chi ngân sách để trả lương hàng tháng.

Vì vậy, một nguyện vọng được các cơ sở tiếp tục đề đạt với lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) là mong lãnh đạo Bộ sớm thống nhất với Bộ Nội vụ bổ sung biên chế cho lực lượng kiểm lâm theo đúng quy định tại Quyết định 168/2006/QĐ - TTg và quy định mức biên chế cho kiểm lâm các tỉnh theo tính chất đặc thù của từng địa phương.
Trước mong muốn này, đồng chí Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thông tin thêm, mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, cả hai bên đã đi đến thống nhất thời gian tới sẽ tăng thêm biên chế cho kiểm lâm và ưu tiên tăng kiểm lâm cho Tây Nguyên.

Song song với việc tăng quyền năng cho kiểm lâm, để ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ có hiệu quả, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho rằng, phải xác định đây không phải trách nhiệm của riêng gì lực lượng kiểm lâm, mà đòi hỏi toàn xã hội và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng khi có vụ việc xảy ra phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, có như vậy mới bảo vệ được người thi hành công vụ, mới bảo vệ được tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác, thi hành công vụ cho lực lượng kiểm lâm.

Mạnh Minh