07:22 06/07/2021

Không để các địa phương thiếu vật tư y tế phòng, chống dịch

Ngày 6/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với các sở, ngành địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng phong tỏa chợ đầu mối Bà Rịa, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Theo đại diện Sở Y tế, hiện trên địa bàn tỉnh có có 4 chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng với 18 ca dương tính SARS-CoV-2, các cơ quan chức năng đã truy vết và cách ly 581 trường hợp F1, hơn 2.300 trường hợp F2 và hơn 2.860 trường hợp F3.

Cụ thể: Ổ dịch tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) có 12 ca dương tính; tại Sơn Bình (huyện Châu Đức) có 2 ca dương tính; liên quan đến ca bệnh bà P.T.Th. trú tại xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) và được phát hiện bệnh tại Bệnh viện Suối Tre (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) có 3 ca và liên quan đến chợ Bà Rịa có 1 ca dương tính.

Tỉnh hiện có 20 cơ sở cách ly tập trung, với sức chứa gần 4.730 người, số trường hợp đang cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh là 987 người, cách ly tại nhà là hơn 3.050 người.

Bác sĩ Hà Văn Thanh, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kiến nghị, tỉnh nên thành lập một tổ truy vết các trường hợp liên quan đến ca F0 bao gồm các thành phần: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương có liên quan; tránh tình trạng truy vết không rõ, bỏ sót các trường hợp liên quan đến ca nhiễm. Đây cũng là tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần tập trung lực lượng nhanh chóng truy vết các trường hợp liên quan đến các chợ, tiểu thương vì hiện nay, tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến các chợ đầu mối Bình Điền của TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ yêu cầu, về trang thiết bị phòng, chống dịch, các địa phương cần có văn bản xin cấp sẽ gửi Sở Y tế và gửi UBND tỉnh. Sau 3 ngày các địa phương có văn bản xin cấp trang thiết bị, Sở Y tế phải cấp ngay, nếu chậm trễ UBND tỉnh sẽ xử lý; không để các địa phương rơi vào tình trạng thiếu các trang thiết bị phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế công bố các đơn vị y tế công và y tế tư nhân có chức năng xét nghiệm COVID-19, giá cả cụ thể xét nghiệm của từng đơn vị và và đảm bảo người dân đến xét nghiệm phải thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

* Ngày 6/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức tiếp nhận ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng (trái) tiếp nhận 300.000 USD từ Đại diện Công ty cổ phần Taekwang Vina ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN phát

Tại buổi lễ, 18 doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ủng hộ trên 13,4 tỷ đồng, 300.000 USD vào Quỹ vaccine phòng COVID-19. Trong đó, Công ty Cổ phần Taekwang Vina ủng hộ 300.000 USD, các nhà máy thuộc Tập đoàn Pouchen ủng hộ 5 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hwaseung Vina ủng hộ 4,6 tỷ đồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Olam Việt Nam ủng hộ 1,5 tỷ đồng, Điện lực Đồng Nai ủng hộ 1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (Sovi) trao tặng 200 giường carton và còn nhiều doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, tại chương trình, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ủng hộ 200 giường carton cho công tác phòng, chống dịch. Theo lãnh đạo Công ty Sovi (thành viên Tập đoàn SCGP), sản phẩm giường giấy là một sáng kiến của SCGP được làm từ 100% giấy tái chế, dễ dàng lắp đặt và vận chuyển, mang lại sự thoải mái, an toàn cho bệnh nhân cùng đội ngũ y tế.

Trước đó, sáng kiến giường giấy đã được đưa vào sử dụng thành công tại bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang và Hải Dương, giảm thiểu gánh nặng cho đội ngũ y tế trong việc vận chuyển, lắp đặt giường cho bệnh nhân. SCGP đã trao tặng 1.800 giường giấy carton hỗ trợ  Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An phòng dịch.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng mong muốn, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt Thông điệp 5K  trong doanh nghiệp, bảo vệ người lao động và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm vaccine cho người lao động và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đồng Nai sẽ sử dụng đúng mục đích nguồn quỹ đóng góp để khi được phân bổ vaccine về sẽ thực hiện tiêm cho nhân dân và cộng đồng.

Đến nay, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được khoảng 61 tỷ đồng từ sự chung tay phòng, chống dịch của toàn thể cộng đồng. Số tiền này sẽ chuyển giao tài khoản tại Sở Y tế Đồng Nai để mua vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân trong thời gian tới.

* Ngày 6/7, Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã ký văn bản về việc cho phép Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thực hiện dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới còn diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm. Nhiều địa phương, các cơ quan đơn vị trong cả nước đều áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ người đến và trở về địa phương, đơn vị mình, đặc biệt là người từ các vùng, địa phương đang có dịch.
 
Ngoài các biện pháp khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, các địa phương, đơn vị còn yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Do đó, nhu cầu của người dân được xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là rất lớn. Đã có một số đối tượng ở địa phương khác đến giả danh là người đi khám bệnh, khai báo y tế, khai báo địa chỉ không trung thực để được xét nghiệm COVID-19 dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.
 
Xuất phát từ thực tế và để quản lý tốt các đối tượng có nguy cơ phục vụ cho công tác giám sát dịch tễ, điều tra truy vết khi cần, Sở Y tế Sóc Trăng giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Sóc Trăng thực hiện xét nghiệm COVID-19 và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cho những người có nhu cầu (xét nghiệm dịch vụ có thu phí) cho các đối tượng không phải là người bệnh, người đến khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
 
Trước khi xét nghiệm, CDC Sóc Trăng phải yêu cầu đối tượng khai báo y tế đầy đủ, trung thực, chính xác; đặc biệt lưu ý tới những người đến từ vùng dịch, vùng đang bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và những người có yếu tố tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 (F1, F2) để áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp.
 
Giá thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu là 734.000 đồng một mẫu (đối với xét nghiệm Real time-PCR) và 238.000 đồng đối với xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
 
Theo lãnh đạo Sở Y tế, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với các bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh theo chỉ định về chuyên môn; không thực hiện dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu của người bệnh.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương