10:17 30/10/2014

Không còn hàng may mặc 'Made in China'?

Mác “Made in China” có thể sẽ không còn quá quen thuộc trên các kệ hàng quần áo khi chi phí lao động tại “nhà máy của thế giới” liên tục tăng chóng mặt.

Mác “Made in China” có thể sẽ không còn quá quen thuộc trên các kệ hàng quần áo khi chi phí lao động tại “nhà máy của thế giới” liên tục tăng chóng mặt. Có vẻ như một quá trình chuyển đổi đang diễn ra trong ngành công nghiệp may mặc.


Ảnh minh họa.


Sẽ là “Made in Ethiopia” ?


Dự kiến trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ mất 85 triệu việc làm sản xuất do chi phí lao động và chất lượng cuộc sống của người dân nước này đã liên tục tăng những năm gần đây. Chính vì vậy, ngành công nghiệp may mặc đang trở thành cơ hội vàng cho các nhà sản xuất khác.


Các công ty may mặc lớn trên thế giới đã bắt đầu tìm kiếm nguồn lao động thay thế và các ứng cử viên tiềm năng là Ethiopia, Myanmar và Haiti, bên cạnh các trung tâm đã được thiết lập như Bangladesh và Việt Nam. Trong đó, Ethiopia, được coi là “Trung Quốc 30 năm trước”, đang thu hút sự quan tâm của nhiều thương hiệu may mặc.


Bất chấp cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, Ethiopia đã tiếp cận được thị trường Trung Quốc, 6 trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, với vị trí là một trong những nhà sản xuất da thô lớn nhất thế giới, Ethiopia đã trở thành một khoản đầu tư dài hạn hấp dẫn.


Hãng sản xuất giày Huajian của Trung Quốc và nhà sản xuất và kinh doanh vải Tekstil của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch đầu tư  vào“các thành phố may mặc” trị giá hàng tỷ USD ở Ethiopia, tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người.


H&M, “gã khổng lồ” may mặc của Thụy Điển, cũng đã đặt cược vào cuộc đua này. Hợp tác cùng Tổ chức phi lợi nhuận Swedfund, H&M đang có kế hoạch đầu tư sản xuất tại Ethiopia, bước đầu với xây dựng 3 nhà máy may. Động thái này của H&M gợi nhớ dự án của hãng Gap tại Myanmar hồi tháng 6 năm 2013.


Chi phí lao động thấp


“Một thương hiệu lớn có kế hoạch đầu tư vào đất nước nào có nghĩa là nơi đó nhân công rẻ”, Scott Nova, Scott Nova, giám đốc điều hành Hiệp hội Quyền công nhân, nói.


Theo Hiệp hội các nhà sản xuất của Myanmar, công nhân Myanmar có thu nhập khoảng 30 USD/ tháng, dưới mức nghèo khổ 1,25 USD/ngày theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB). Một báo cáo cho thấy công nhân may Ethiopia kiếm được từ 37USD-53USD/tháng, khiến Myanmar và Ethiopia trở thành hai nước có giá nhân công thấp nhất thế giới (công nhân Bangladesh kiếm xấp xỉ 68 USD/tháng).


Công nhân làm việc tại nhà máy giày Huajian của Trung Quốc ở Ethiopia.


Ít người có thể bỏ qua số liệu này, tuy nhiên một số chuyên gia biện luận rằng mức lương thấp như vậy từng là đặc tính của các nền kinh tế phát triển hiện nay, gần đây nhất là Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong, và là một sự hy sinh cần thiết ban đầu để thu hút các nhà đầu tư.


Nếu người tìm việc tự nguyện chọn lựa công việc có mức lương thấp trong một nhà máy, đồng nghĩa rằng “đây là lựa chọn tốt nhất trong một loạt các lựa chọn xấu”, Benjamin Powell, giám đốc của Viện thị trường tự do thuộc Đại học Công nghệ Texas, nói.


“Nếu chúng ta áp đặt luật lương tối thiểu lên những nước này và bắt buộc mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, những lý do mà các công ty lựa chọn tới đó cũng sẽ biến mất, vì vậy càng khiến những nước này mắc kẹt trong sự nghèo đói còn tồi tệ hơn", ông Powell nhấn mạnh.


Một số nhà phân tích lại cho rằng, nếu ngành may mặc là một cách thoát nghèo, thì lương cho công nhân đã không nên giảm trong thập kỷ vừa qua, và trung bình chỉ đạt 1/3 mức lương “đủ sống”.


Nhưng dù ngành công nghiệp may mặc có tốt cho sự phát triển kinh tế quốc gia và cá nhân hay không, các quốc gia như Haiti, Myanmar và Ethiopia vẫn đang trải thảm đỏ cho các thương hiệu may mặc thế giới. Và chắc chắn ngành may mặc sẽ chứng kiến một sự chuyển đổi đáng kể, ít nhất là mác "Made in China" sẽ không còn xuất hiện nhiều như hiện nay.



Hạnh Nhân