01:17 21/01/2022

Không có lựa chọn tuyệt đối an toàn

Những ngày cuối năm âm lịch, bên cạnh tâm trạng sắp được nghỉ Tết, nhiều học sinh còn có thêm sự khấp khởi trước thông tin ra Tết được đến trường đi học.

Có lẽ tôi cũng như nhiều ông bố, bà mẹ khác khi đang làm việc thì con gái học tiểu học gọi điện báo không vào được mạng để học. Còn cậu con trai học lớp 9 thì vài ngày lại hỏi “bao giờ được đến trường hả bố”. Niềm mong mỏi được đến trường không chỉ của học sinh mà của cả các gia đình, dù lo ngại về dịch COVID-19 vẫn còn đó.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 12 trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn tay khi tới trường học trực tiếp từ sáng 10/1/2022. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Cho đến thời điểm này, vấn đề cho học sinh trở lại trường học dường như đã chín muồi với nhiều yếu tố như: Tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đạt gần 100% ở cả người lớn và trẻ từ 12 - 17 tuổi; kinh nghiệm phòng, chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường và nhận thức của người dân tăng lên. Trong điều kiện đó, nhiều ý kiến từ các bộ, ngành, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng nguy cơ từ việc cho trẻ ở nhà còn cao hơn việc cho trẻ đến trường.

Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết: UNICEF đã có những nghiên cứu và bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập. Tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.

Còn với các nghiên cứu trong nước, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, giảng viên khoa Tâm lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần tăng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh về các vấn đề sức khoẻ tinh thần của sinh viên cũng cho thấy: 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ và 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Nói về nguy cơ dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong khi các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội đã gần như hoàn toàn bình thường, học sinh đã theo bố mẹ đi chơi, đi ăn ngoài hàng quán; thì không có lý do gì để các em phải học trực tuyến nữa. Lợi ích của việc trẻ được đến trường lớn hơn nhiều so với cho trẻ ở nhà, trong khi người lớn đã đi làm và giao tiếp cộng đồng. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Đây là thời điểm hết sức hợp lý và cần thiết để đưa học sinh trở lại trường".

Ở Việt Nam, vì dịch COVID-19, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo; ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn, trở ngại của học sinh, sinh viên và giáo viên trong việc dạy và học trực tuyến.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ liên quan hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp, an toàn sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỉ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi; khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.

Nêu quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh”. Bộ trưởng cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…

Trên thực tế thì tính đến ngày 18/1/2022, có 14 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông; có 43 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trực tiếp (đạt tỉ lệ 49.7% học sinh mầm non cả nước); có 46 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học đến trường (đạt tỉ lệ 57,37% học sinh tiểu học trên cả nước); 53 tỉnh, thành phố cho học sinh THCS đến trường (chiếm tỉ lệ 61.29%); khối THPT có 1.834.764/2.751.650 học sinh học trực tiếp, chiếm tỉ lệ 66,67%.

Tuy nhiên, về số ca bệnh, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 18/1/2022), toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên mắc COVID-19. Đến 17 giờ ngày 18/1/2022, theo số liệu báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, có 4.797 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của ngành vẫn đang điều trị.

Trong khi đó, thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nhóm từ 0-17 tuổi chỉ chiếm rất nhỏ, khoảng 0,42%; trong khi con số này ở độ tuổi từ 18-49 là trên 15%. Mặc dù vậy, con số rất nhỏ này cũng là điều mà các bậc phụ huynh không thể xóa hết lo ngại. Bởi thế, việc mở cửa trường học cần phải chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn tối đa và thực sự là những quyết định cân não đòi hỏi cái tâm và tầm của nhà quản lý.

Trần Ngọc Tú