07:14 30/07/2014

Không có dấu hiệu nhiễm xạ tại bờ biển phía Tây nước Mỹ

Bờ biển phía Tây của nước Mỹ chưa có dấu hiệu nhiễm xạ sau sự cố hạt nhân Fukushima, Nhật Bản hồi năm 2011. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn thận trọng cảnh báo nguy cơ này trong tương lai gần.

Bờ biển phía Tây của nước Mỹ chưa có dấu hiệu nhiễm xạ sau sự cố hạt nhân Fukushima, Nhật Bản hồi năm 2011. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn thận trọng cảnh báo nguy cơ này trong tương lai gần.

Chuyên gia Ken Buesseler thuộc Viện Hải dương học Woods Hole ngày 29/7 dẫn kết quả kiểm tra mẫu nước biển cho biết tại vùng nước giữa Thái Bình Dương và phía Bắc Hawaii cho biết có dấu hiệu nhiễm xạ, nhưng vùng biển Bờ Tây của nước Mỹ hiện vẫn an toàn. Xét nghiệm trên một số loài cá, thường di chuyển nhanh hơn so với các dòng hải lưu, cũng đo được độ nhiễm xạ, song trong phạm vi cho phép nên không tác động tới môi trường thủy sinh ở bờ biển nước Mỹ.

Tuy nhiên, kết quả trên không đồng nghĩa với việc nước Mỹ đã hoàn toàn an toàn trước những tác động từ sự cố hạt nhân Fukushima. Ông York Johnson, người phụ trách công tác giám sát chất lượng nước của nhóm bảo vệ môi trường bang Oregon, cho biết phân tích cho thấy vào khoảng cuối năm nay, phóng xạ cesium 134 có thể tràn tới bờ biển Oregon với nồng độ thấp. Và trong vài năm tới, mức độ nhiễm xạ tại bờ biển Oregon có thể sẽ vào khoảng 10 - 20 becquerel/m3 nước (đơn vị đo phóng xạ trong hệ thống đo lường quốc tế) khi các dòng hải lưu dẫn phóng xạ từ Nhật Bản tới Mỹ.

Bản đồ mô phỏng phóng xạ từ Nhật Bản đến các bờ biển của Bắc Mỹ. Ảnh: NY Times


Nhóm bảo vệ môi trường bang Oregon là đơn vị chịu trách nhiệm thu thập mẫu nước và cũng là một trong các nhóm do cộng đồng tài trợ nhận nhiệm vụ nghiên cứu mức độ nhiễm xạ đại dương sau khi Chính phủ liên bang quyết định không theo dõi tình hình nhiễm cesium 134 từ Fukushima tại các vùng biển của Mỹ. Theo kế hoạch, nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục tiến hành thêm 5 cuộc kiểm tra, mỗi lần cách nhau 6 tháng để theo dõi nồng độ phóng xạ trên biển có tăng hay không.

Kiểm tra tại bờ biển Nhật Bản ngay sau sau sự cố hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011 cho thấy nồng độ phóng xạ trong môi trường nước ở mức 50 triệu becquerel /m3. Ở cấp độ này, phóng xạ có thể gây ra tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các loài thủy sinh. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho phép nước uống có mức độ nhiễm xã tối đa là 7.400 becquerel/m3.

Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về nguy cơ nhiễm xạ nước ở Thái Bình Dương. Mặc dù lượng nước nhiễm xạ này đã hòa vào nước của đại dương và loãng đi theo thời gian, song việc các dòng hải lưu đã và đang tiếp tục hòa lượng nước nhiễm xạ này ra các khu vực rộng lớn hơn ở Thái Bình Dương trong tương lai gần có nguy cơ gây hại tới môi trường đại dương. Nhiều nước trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, lo ngại phóng xạ có thể lan tới và gây thiệt hại các khu vực ven biển với những hậu quả khó lường đối với cộng đồng dân cư và nền kinh tế.


TTXVN/ Tin tức