05:08 27/05/2011

Không có chuyện nhập khẩu thịt lợn

Trong thời gian qua, giá cả các loại thịt đều tăng, đặc biệt là thịt lợn. Có thông tin cho rằng do nguồn cung thịt bị thiếu hụt, người dân không tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi khiến Bộ Công Thương đã phải đề nghị, trong năm 2011 nhập 100.000 tấn thịt lợn để bù đắp nguồn thiếu hụt này.

Trong thời gian qua, giá cả các loại thịt đều tăng, đặc biệt là thịt lợn. Có thông tin cho rằng do nguồn cung thịt bị thiếu hụt, người dân không tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi khiến Bộ Công Thương đã phải đề nghị, trong năm 2011 nhập 100.000 tấn thịt lợn để bù đắp nguồn thiếu hụt này. Tuy nhiên Bộ Công Thương khẳng định, thông tin này hoàn toàn không chính xác.

Chưa cho nhập thịt lợn

Trong cuộc họp giao ban xuất nhập khẩu tháng 5, diễn ra chiều qua (26/5), Bộ Công Thương cho biết chưa cấp bất cứ giấy phép nào về việc nhập khẩu thịt lợn.

Thông tin Bộ Công Thương đề xuất cho phép nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn là tin thất thiệt. Ảnh: Lê Phú


Trong cuộc họp giao ban trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định: “Trong thời gian gần đây xuất hiện thông tin Bộ Công Thương đề xuất cho phép nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Đó chỉ là thông tin thất thiệt do một số cơ quan ngôn luận hiểu lầm, đưa sai nội dung. Bộ Công Thương đang đề nghị các đơn vị này cải chính thông tin. Chúng tôi khẳng định chưa đưa ra các số liệu, cũng như chưa ban hành kế hoạch hay cấp bất kỳ giấy phép nào về nhập khẩu thịt lợn”.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung, các tháng đầu năm 2011, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài cùng với dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh xảy ra trên diện rộng làm cho đàn trâu bò và đàn lợn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên về tổng thể, ngành chăn nuôi tiếp tục có xu hướng tăng so với các tháng cùng kỳ năm 2010.

Theo ước tính, tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước 4 tháng đầu năm 2011 khoảng 1,4 triệu tấn (tương đương 960.000 tấn thịt xẻ). Bình quân 330.000-380.000 tấn thịt hơi/tháng (tương đương 225.000- 260.000 tấn thịt xẻ/tháng). Trong khi đó, nhu cầu thịt các loại tiêu dùng trong 4 tháng qua, bình quân 247.000 – 248.000 tấn thịt xẻ/tháng.

Hơn nữa, theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung, thịt nói riêng trong giai đoạn từ tháng 5 -9 hàng năm sẽ thấp hơn các tháng đầu năm và cuối năm từ 10 – 15% và năm nay cũng như vậy.

Với cơ cấu đàn gia súc, gia cầm và khả năng sản xuất như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, về cơ bản Việt Nam chủ động cung ứng được nhu cầu thịt tiêu thụ trong nước từ nay đến cuối năm 2011. Do vậy, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan, khẳng định nguồn cung thịt trong nước không thiếu, không cần thiết phải nhập thêm thịt vào thời điểm này.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, mặc dù nguồn cung vẫn đủ nhưng chúng ta cần có chiến lược dài hơi cho nguồn cung thịt lợn trong nước thay vì những giải pháp nhập khẩu mang tính thời vụ. Đây đang là thời điểm thuận lợi để tái đàn, vì dịch bệnh đã được khống chế, giá cả các mặt hàng thịt đều tăng, có lợi cho người chăn nuôi.

Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm cân đối cung- cầu các mặt hàng thiết yếu, nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong nước. Việc Bộ Công Thương khẳng định sẽ không cấp giấy phép nhập khẩu thịt là tín hiệu tốt cho người chăn nuôi sau khi trải qua một thời gian dài dịch bệnh, rét đậm rét hại, người dân đang nghĩ tới việc tái đầu tư vào chăn nuôi, tạo ra nguồn cung thịt ổn định trong nước.

Hữu Vinh thực hiện