07:07 03/07/2014

Không chờ “cú huých”

Trong cuộc họp báo ngày 1/7 sau phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: không phải vì có những biến động ở Biển Đông, chúng ta mới nghĩ đến việc mở rộng thị trường.

Trong cuộc họp báo ngày 1/7 sau phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: không phải vì có những biến động ở Biển Đông, chúng ta mới nghĩ đến việc mở rộng thị trường. Việt Nam đã thực hiện mở rộng thị trường, đa dạng hóa cả về xuất khẩu và nhập khẩu, tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định FDI; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong đó có các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, mở rộng thêm các thị trường khác như Nga, Trung Đông, Châu Phi, đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trong bài trả lời của mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương có nhắc tới sự kiện Biển Đông như là một “cú huých”, buộc Việt Nam phải có những thay đổi nhanh hơn để trong tình huống xấu nhất vẫn đối phó được.

Điều này có nghĩa: trước khi sự kiện Biển Đông diễn ra, chủ trưởng mở rộng thị trường để tìm cách giữ thế chủ động cho đầu ra của các sản phẩm trong nước đã được những người “cầm cân nảy mực” tiến hành, và ở mức độ nào đó bước đầu đã có hiệu quả. Bằng các hoạt động xúc tiến thương mại, qua các hiệp định song phương hay đa phương, nền kinh tế Việt Nam đã đặt những dấu ấn quan trọng, những bước đi khai phá vào thị trường thế giới, tìm chỗ đứng.

Tuy nhiên, còn một “thị trường” rất rộng lớn, giàu tiềm năng là thị trường trong nước, cho dù đã có nhiều chương trình kích cầu của Nhà nước, đã có nhiều chính sách hỗ trợ và nhắm đến mục tiêu “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, và thực tế nhiều mặt hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường nội địa, song trên thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta bị chính người Việt lơ là bỏ sót. Một phần do người tiêu dùng chưa thực sự ý thức được trách nhiệm của mình; phần khác, cũng do thương nhân hám lời nên vẫn nhập và trà trộn những mặt hàng kém chất lượng; và một bộ phận người sản xuất vì lợi ích trước mắt mà tặc lưỡi bỏ qua các yêu cầu về an toàn nông sản khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao.

“Cú huých” Biển Đông đã tác động đến lòng yêu nước của người Việt. Chỉ cần mỗi người Việt đang bừng bừng khí thế chống ngoại xâm có một hành động thực sự hỗ trợ nông dân trong sản xuất, không để tâm lý sính ngoại, hoặc thói quen tiêu dùng dễ dãi che mắt, không vì lợi ích trước mắt... thì ít ra trong hoàn cảnh cấp thiết, thời gian mỗi ngày là vàng bạc như với vụ tiêu thụ vải thiều vừa qua, người trồng vải sẽ không phải lo lắng về hàng ngàn tấn nông sản không có nơi tiêu thụ. Vụ vải thiều vừa qua, 60% đã được tiêu thụ trong nước, giá cao hơn xuất khẩu, là một minh chứng cho việc thực hiện chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Và quan trọng hơn nữa, không phải là số hàng hóa nông sản “xuất đi” càng nhiều càng tốt. Cũng như tài nguyên thiên nhiên, xuất thô thì chỉ ngang như “cho rẻ”. Những chính sách về vốn, quy hoạch… phải được nhìn nhận một cách thực tế, để Nhà nước có những hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch, từ đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, chủ động điều tiết thị trường, giúp nhà nông tiêu thụ nông sản một cách “bình tĩnh”, không bán đổ bán tháo… mà giá trị thu về cho sản xuất nông nghiệp đủ khuyến khích người trồng cấy và sản xuất.

Đó mới thực sự là “cú huých” để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới; để nền kinh tế ổn định, tự chủ, và để người lao động một nắng hai sương được thực sự hưởng lợi từ thành quả lao động nhọc nhằn của mình.


Thùy Hương