06:16 29/06/2018

Không chỉ bao phủ cơ học BHYT toàn dân mà phải nâng cao chất lượng dịch vụ

Chúng ta đã thực hiện được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, nhưng điều cần phải phấn đấu nữa là không chỉ bao phủ cơ học bảo hiểm y tế toàn dân mà phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế được thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế.


Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dân người bệnh làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, điểm nổi bật là số người tham gia bảo hiểm y tế đã vượt mục tiêu đề ra, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số. 


Thông tin trên được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.


Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21?

Tính đến hết tháng 5/2018, trên 81 triệu người dân Việt Nam có bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số, vượt mức theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị giao. Bên cạnh đó, quyền lợi cơ bản, chính đáng quy định trong Luật Bảo hiểm y tế cho người dân khi tham gia bảo hiểm y tế được đảm bảo.

 

Năm 2017, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã giám định thanh quyết toán đảm bảo quyền lợi cho gần 170 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 88 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi đang thẩm định quyết toán năm 2017 để đảm bảo chuyển trả đúng, đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh. Điều quan trọng là phát triển bảo hiểm y tế đã đảm bảo tính bền vững, ổn định liên tục trong năm qua.

Tới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung phát triển bảo hiểm y tế cho những nhóm người yếu thế, những người đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, người có mức thu nhập chưa được đảm bảo và không ổn định để phát triển hơn nữa số người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời cũng đảm bảo tính bền vững của chính sách bảo hiểm y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có một số khó khăn thách thức đặt ra cho năm 2018. Việc phát triển đối tượng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức mà vấn đề đầu tiên chúng ta đang phải đối đầu là mức đóng của các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa tương đồng với mức hưởng và nguy cơ mất cân đối cục bộ Quỹ bảo hiểm y tế ở các địa phương, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay quyết liệt từ ngành Bảo hiểm xã hội và đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh.

Mặc dù vậy, có thể nói, nếu có sự quyết tâm, ủng hộ cao, chúng ta vẫn có thể đảm bảo đủ nguồn lực từ quỹ dự phòng Trung ương để chi trả kinh phí khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đủ đến năm 2020, trước khi có thể đề xuất và được chấp nhận việc điều chỉnh thời gian đóng, đảm bảo nguyên tắc tương đồng trong mức đóng và mức hưởng.

Thời gian qua, việc thông tuyến khám chữa bệnh ở tuyến huyện đã tạo thuận lợi cho người dân trong khám chữa bệnh ban đầu. Tuy nhiên, chính sách này đã bị một số cơ sở y tế lợi dụng. Vậy Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp gì để khắc phục hạn chế trên, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia?

Phải khẳng định việc thông tuyến khám chữa bệnh ở tuyến huyện thực hiện từ năm 2015 đến nay là một trong những giải pháp đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu. Thực tế qua tổ chức thực hiện cho thấy, quy định này mang lại quyền lợi thiết thực hơn cho tuyệt đại đa số những người bệnh khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, cũng còn có những mặt trái, đến từ nhiều phía, trước hết là phía các cơ sở khám chữa bệnh có thể tận dụng quy định về thông tuyến để thu hút người bệnh đến khám, đặc biệt là vùng giáp ranh giữa các tỉnh, ảnh hưởng tới quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Chúng tôi nghĩ rằng, cơ quan Bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ làm sao bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Vì vậy, khi tiếp nhận thông tin về bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào, cơ quan Bảo hiểm xã hội đều có ý kiến hoặc chỉ đạo, trực tiếp can thiệp và có giải pháp để đảm bảo cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện đúng, đủ quy định của pháp luật. Với những hành vi có biểu hiện tiêu cực, lợi dụng, trục lợi, chúng tôi xử lý kiên quyết. Thậm chí đã đề nghị phía cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xác định và xử lý kịp thời.

Vậy còn vấn đề gì cần lưu ý, thưa ông?

Thế giới rất ghi nhận là chúng ta đã tăng được số lượng người tham gia bảo hiểm y tế, diện tham gia bảo hiểm y tế. Có thể nói, ít quốc gia trên thế giới đạt được, Việt Nam đáng tự hào về điều đó. Chúng ta đã thực hiện được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế và chắc chắn thực hiện thành công Nghị quyết 21 là bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Điều chúng ta cần phải phấn đấu nữa là không chỉ bao phủ cơ học bảo hiểm y tế toàn dân mà phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế được thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế. Có như thế, phát triển chính sách bảo hiểm y tế mới bền vững, người dân mới hài lòng và việc chăm sóc, khám chữa bệnh của người dân thông qua cơ chế bảo hiểm y tế mới trở thành một trong những giải pháp tài chính ưu việt nhất mà chúng ta hướng tới, kỳ vọng và đang cố gắng thực hiện.

Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã được ban hành, liệu có gì vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết này và cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết thế nào?

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, sẽ cố gắng tổ chức thực hiện tốt và thành công Nghị quyết Trung ương 6. Tôi nghĩ đa số các ý kiến đưa ra đã được bàn thảo rất kỹ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát hiện khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội là sẽ phản ánh kịp thời với Bộ Y tế, Chính phủ, Trung ương Đảng để có những quyết sách kịp thời. Bây giờ còn quá sớm để đưa ra những bình luận.

Như ông vừa nói, không chỉ bao phủ cơ học bảo hiểm y tế toàn dân mà điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế được thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế. Hiện có khó khăn gì trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân?

Chất lượng dịch vụ y tế phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản, thứ nhất là cơ sở vật chất, thứ hai là trang thiết bị và thứ ba là đội ngũ nhân lực y tế. Trong 3 yếu tố đó, có thể nói nhân lực và năng lực của nhân viên y tế là một trong những yếu tố hết sức cơ bản. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng đang vướng. Để giải quyết được bài toán nhân lực, đặc biệt là nhân viên y tế ở tuyến y tế cơ sở hiện nay, để người dân tin tưởng vào trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở, cần phải có giải pháp trong trung hạn cũng như dài hạn.

Chúng ta đang nỗ lực hướng tới đầu tư cho y tế cơ sở, thậm chí, có nơi triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ kỹ thuật ngay tại trạm y tế xã. Về chủ trương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ủng hộ, nhưng chúng tôi rất lưu ý rằng cần phải có nguồn nhân lực với trình độ phù hợp để đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật đó cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở, bao gồm cả y tế xã.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
 

Chu Thanh Vân (Thực hiện)