10:05 06/10/2014

Không chấm điểm ở tiểu học: Học sinh hưởng lợi đầu tiên

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT trao đổi với PV báo Tin Tức.

Bà Nguyễn Thị Thắm (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT trao đổi với PV báo Tin Tức.

Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD - ĐT đưa ra, có quy định sẽ không dùng điểm số để đánh giá học sinh thường xuyên. Nhiều giáo viên cho rằng họ sẽ khó có thể thực hiện theo quy định này và Bộ vẫn nên giữ điểm số để đánh giá, đặc biệt ở lớp 4, lớp 5. Ý kiến của bà về vấn đề này?


Vấn đề điểm số đã bám sâu vào nhận thức của giáo viên, nên có thể nhiều giáo viên chưa nhận thức rõ được những ưu điểm của sự thay đổi này. Thực tế, việc đánh giá theo năng lực với học sinh tiểu học đã được Bộ thực hiện từ trước đó, với mô hình trường học mới, đạt hiệu quả khá tốt. Khi soạn quy định này, Bộ cũng đã nghiên cứu rất kỹ về những ưu điểm của mô hình này. Nhiều phụ huynh, giáo viên khi được thực hiện việc này đã nhận xét “hóa ra không chấm điểm mới là tốt”.


Hiện nay đã có 1.447 trường tiểu học trên cả nước thí điểm mô hình không chấm điểm thường xuyên theo mô hình trường học mới. Quá trình thực hiện cho thấy có nhiều tín hiệu tốt như: Tinh thần học của học sinh lên cao, các em hào hứng với các giờ học hơn. Cha mẹ các em cũng có phản hồi tốt về những nhận định của giáo viên hơn là những con số khô khan.

 

Học sinh háo hức với quy định không chấm điểm với học sinh tiểu học. Ảnh: XT


Tất nhiên, khi quy định này đi vào thực tế, giáo viên sẽ vất vả hơn trước rất nhiều, bởi việc nhận xét, đánh giá từng học sinh đòi hỏi sự tỉ mỉ. Để làm được điều này, các giáo viên sẽ được tập huấn kỹ thuật đầy đủ trước khi thực hiện. Mặt khác, giáo viên cũng nên thay đổi tư duy là lên lớp cao hơn sẽ tiếp xúc nhiều với điểm số. Tôi khẳng định không phải vậy. Ở bậc phổ thông hiện nay cũng đã đổi mới theo hướng kiểm tra đánh giá năng lực.


Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá này có đi kèm với việc đổi mới chương trình học không thưa bà?


Hai việc này hoàn toàn tách biệt. Nói nôm na là cái gì đổi mới trước được thì sẽ làm trước, đúng như tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trước cái mới, tôi mong giáo viên hãy nghĩ đến tính tích cực, hiệu quả vào học sinh. Bởi người được hưởng lợi ở đây là học sinh, giúp các em có tinh thần học tập tốt. Còn lại, để thực hiện được quy định này, Bộ GD - ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc này, đồng thời triển khai các lớp tập huấn nếu quy định có hiệu lực.


Xin cảm ơn bà!


Đan Phương - Lê Vân