05:11 23/05/2020

Khơi thông dòng vốn tiếp sức doanh nghiệp - Bài cuối: Mở rộng 'cửa' cho doanh nghiệp

Thông thường, doanh nghiệp có hai kênh huy động vốn là vay nợ và huy động góp vốn từ các tổ chức, cá nhân khác. Từ thực tế thị trường vốn cũng như những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có thể tìm kiếm kênh huy động khác ngoài vay nợ ngân hàng.

Chú thích ảnh
Ngành ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trong giai đoạn dịch bệnh, các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát hồ sơ vay vốn nhằm hạn chế nợ xấu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp muốn cơ cấu nợ đã tìm đến kênh trái phiếu, thay thế nguồn vốn từ ngân hàng.

Dưới góc độ của một người từng làm quản trị tài chính, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, còn một kênh tài chính khác mà doanh nghiệp có thể tiếp cận đó là thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu…).

“Đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị động, trở tay không kịp, nhưng nếu doanh nghiệp tiếp cận được thị trường vốn thì sẽ không gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vấn đề là đừng để thị trường này "méo mó", vì đây là nơi giao dịch giữa những người có nhu cầu đầu tư và những người có tiền nhàn rỗi, kể cả người đầu tư không chuyên”, ông Thành nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HOREA) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không xin hỗ trợ bằng tiền mà hỗ trợ bằng thể chế, chính sách. 

Theo ông Châu, tại thời điểm này không nên “siết” trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản. Bởi hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng nước ngoài.

Trong thời gian qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch COVID-19 hiện nay, HOREA đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.

Trước nhu cầu huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp, Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra một số khuyến nghị hạn chế rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, doanh nghiệp muốn huy động phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn; trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. Đồng thời, tuân thủ quy định của pháp luật, công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu, điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính cho nhà đầu tư.

Hiện Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kỳ vọng, khi Nghị định này được hoàn thiện sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh. Đồng thời, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.

Tổ chức lại quỹ bảo lãnh tín dụng

Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng có ưu điểm là hạn chế các khoản nợ xấu phát sinh ở mức thấp nhất. Tuy nhiên,  ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng vì lợi nhuận nên không phải đối tượng nào cũng tiếp cận được, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tương tự, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư… cũng là sân chơi của các doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên, hoặc có giá trị thương hiệu, cốt lõi, còn phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại không dễ tiếp cận.

Thực tế cũng đã cho thấy điều này khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, cá nhân vay tiêu dùng là những đối tượng bị tổn thương lớn vì COVID-19 và khả năng chịu đựng tổn thương kém hơn nhiều lần so với các doanh nghiệp lớn. Đây cũng là nhóm khó tiếp cận tín dụng ngân hàng thông thường và càng khó khăn hơn khi tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Để giải quyết vấn đề này, TS. Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, có thể thực hiện thông qua các định chế tài chính thuộc sở hữu nhà nước hoặc mở rộng các chương trình bảo lãnh tín dụng của nhà nước sang các ngân hàng tư nhân nhưng trên cơ chế đồng chia sẻ để hạn chế vấn đề rủi ro đạo đức trong cấp phát tín dụng.

“Việc thực hiện chương trình bảo lãnh tín dụng của Nhà nước ở đây sẽ đóng vai trò tương tự như đảm bảo tiền gửi và người cho vay cuối cùng. Chính sách này, xét trên tổng thể sẽ giúp gia tăng phúc lợi xã hội trong các tình huống rủi ro không thể đa dạng hóa như đại dịch COVID-19”, vị chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tổ chức lại quỹ bảo lãnh tín dụng mang tầm quốc gia, thay vì mức độ địa phương hay ngân hàng như hiện nay.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, quỹ này sẽ đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng, gỡ khó về thanh khoản, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng một cách dễ dàng hơn và góp phần giảm rủi ro cho ngân hàng.

“Trường hợp doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ, Quỹ bảo lãnh sẽ đứng ra bồi thường cho các ngân hàng. Đây cũng là hình thức mà một số nước phát triển như Mỹ đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ khá hiệu quả”, chuyên gia cho biết.

Doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình

Theo các chuyên gia, đứng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp có tồn tại được hay không là tùy thuộc vào khả năng thích ứng, linh hoạt của chính doanh nghiệp đó. Các gói cứu trợ chỉ thực sự phát huy hiệu quả đối với các doanh nghiệp biết tận dụng, sử dụng vốn đúng chỗ, có phương án phục hồi sản xuất một cách rõ ràng. Chưa kể, các chính sách hỗ trợ thường có độ trễ nhất định. Nếu doanh nghiệp không tìm cách thích ứng, việc phá sản là điều rất dễ xảy ra.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, trụ lại được trong tình hình hiện nay là cực kì quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh việc cơ quan nhà nước có giải pháp tình thế mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, thì bản thân doanh nghiệp phải kiểm soát được chi phí, tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, chú trọng đầu tư công nghệ, số hóa. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, từ đó tăng được tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Thành, trong bối cảnh dòng tiền gặp khó, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng "lương khô", tức là tài sản tiết kiệm dưới dạng tiền mặt, thậm chí là tài sản mua trong thời gian có lợi nhuận, bây giờ  bán ra để thu tiền về.

Ông Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty tư vấn và giáo dục John&Partners cũng cho rằng, trong thời điểm này, nhiều tập đoàn lớn đã tập trung nguồn lực để rà soát, tái cấu trúc lại hệ thống một cách tối ưu hơn. Đồng thời, tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Đây là hướng các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Trường, trong bối cảnh khó khăn về tài chính, doanh nghiệp cần cố gắng duy trì hoạt động để có doanh thu. Đồng thời, cắt giảm tối đa các chi phí của doanh nghiệp, tiết kiệm hết mức có thể. Trong trường hợp không thể tiếp tục cầm cự, doanh nghiệp có thể cân nhắc giải pháp dừng hoạt động, mạnh dạn phá sản để làm lại từ đầu khi nền kinh tế phục hồi sau dịch.

Mặt khác, theo các chuyên gia, để tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng hay huy động vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu, quỹ đầu tư…, doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các dự án thực sự khả thi, cân đối được nguồn trả nợ. Nếu doanh nghiệp nhận thêm vốn mà chưa có kế hoạch kinh doanh rõ ràng thì sẽ là “thảm họa” cho chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc minh bạch tài chính, dòng tiền cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể vay tín chấp, thay vì phải có tài sản đảm bảo như ngân hàng đang triển khai hiện nay.

Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp với ngân hàng trong việc chứng minh khó khăn thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách. Đây là cơ sở để doanh nghiệp phục hồi và phát triển cũng như bảo đảm chất lượng hiệu quả tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch COVID-19.

Hứa Chung (TTXVN)