04:13 29/04/2012

Khởi sắc phong trào cánh tả Mỹ Latinh

Sau nhiều thập kỷ Mỹ Latinh bị kiểm soát bởi cánh hữu luôn phục tùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà không đoái hoài tới việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, ...

Sau nhiều thập kỷ Mỹ Latinh bị kiểm soát bởi cánh hữu luôn phục tùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà không đoái hoài tới việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, các nhóm người nghèo bị loại ra rìa xã hội tại khu vực này đã “trừng phạt” các chính phủ theo đường lối tự do mới không hợp lòng dân bằng cách bỏ phiếu cho các ứng viên cánh tả trong các cuộc bầu cử tổng thống những năm gần đây.

Chiến thắng của thành viên ban lãnh đạo Mặt trận giải phóng dân tộc Sandinista (FSLN) Daniel Ortega (ảnh 1) trong cuộc bầu cử tổng thống tại Nicaragoa cuối năm 2011 tái khẳng định khuynh hướng thiên tả đang lan rộng tại Mỹ Latinh, nơi từng bị coi là “sân sau” của Mỹ.

Đứng đầu danh sách ngày một dài các quốc gia khuynh tả tại Mỹ Latinh là Vênêxuêla, nơi cựu quân nhân Hugo Chavez giành chiến thắng tại hòm phiếu năm 1998. Chiến thắng của ông Chavez chấm dứt chuỗi thất bại của cánh tả kể từ sau khi Tổng thống Chilê Salvador Allende bị lật đổ bởi đảo chính năm 1973.

Tiếp theo danh sách là Braxin (Lula da Silva thắng cử năm 2002 và Dilma Rousseff (ảnh 2) thắng cử năm 2010), Áchentina (Nestor Kirchner - 2003 và Cristina Fernandez (ảnh 3) - 2007) (ảnh 3), Urugoay (Tabare Vasquez - 2004/Jose Mujica - 2009), Cộng hòa Đôminicana (Leonel Fernandez - 2004), Bôlivia (Evo Morales (ảnh 4) - 2005), Chilê (Michelle Bachelet - 2005), Êcuađo (Rafael Correa - 2006), Paragoay (Fernando Lugo -2008), En Xanvađo (Mauricio Funes - 2009), Pêru (Ollanta Humala - 2011), Nicaragoa (Daniel Ortega - 2011).

Như vậy, chỉ trong hơn một thập kỷ, thông qua bầu cử, một loạt chính phủ cánh tả đã xuất hiện tại Mỹ Latinh, tạo ra sự thay đổi trong bản đồ cán cân quyền lực thế giới đồng thời thách thức vai trò của Mỹ tại "sân sau" của siêu cường này.

Tại Mỹ Latinh vào thời điểm này có 12 quốc gia mà các đảng cầm quyền là thành viên của Diễn đàn Sao Paulo (tập hợp các đảng cánh tả và tiến bộ tại Mỹ Latinh). Đó là Bôlivia, Braxin, Cuba, Đôminic, Êcuađo, En Xanvađo, Nicaragoa, Paragoay, Pêru, Cộng hòa Đôminicana, Urugoay và Vênêxuêla.

Tại 4 quốc gia khác, các đảng cánh tả là lực lượng đối lập lớn nhất tại quốc hội và/hoặc về nhì tại các cuộc bầu cử gần đây nhất (Chilê, Côlômbia, Côxta Rica và Mêhicô). Mặt khác, mặc dù không tham gia Diễn đàn Sao Paulo, Mặt trận vì thắng lợi cầm quyền theo đường lối trung tả tại Áchentina có quan hệ tốt với các đảng cánh tả cầm quyền.

Cự tuyệt với mô hình tự do mới

Tại Mỹ Latinh, chính sách kinh tế tự do mới (neoliberalismo) - với chủ trương mở rộng tư nhân hóa, hạn chế tối đa vai trò điều tiết kinh tế - xã hội của nhà nước và phát triển thị trường tự do tư bản - được áp dụng đầu tiên tại Chilê, dưới thời nhà độc tài Pinochet, sau đó đã được mở rộng ra toàn khu vực.

Sau sự sụp đổ của các chế độ độc tài tại Mỹ Latinh trong thập kỷ 1980, chính sách này vẫn tồn tại được chủ yếu nhờ vào các kế hoạch điều chỉnh cấu trúc và mô hình Đồng thuận Oasinhtơn (chương trình cải cách kinh tế được các tổ chức đóng trụ sở tại Oasinhtơn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Tài chính Mỹ đề nghị áp dụng ở những nước trải qua khủng hoảng kinh tế). Đa số các chính phủ Mỹ Latinh đã áp dụng các “toa thuốc” ổn định kinh tế vĩ mô do WB và IMF kê đơn.

Quá trình này tạo ra sự bất mãn lớn trong dân chúng - những người bị xã hội loại ra rìa - tạo tiền đề cho sự tái tập hợp các lực lượng quần chúng và dẫn tới một chu kỳ thắng cử của các lực lượng cánh tả và trung tả, khởi đầu với chiến thắng của Tổng thống Chavez năm 1998.

Nổi lên trong các chính phủ áp dụng quyết liệt các biện pháp nhằm xóa bỏ mô hình tư bản lỗi thời và xây dựng một mô hình mới thay thế dựa trên công bằng xã hội là các chính phủ của các tổng thống Hugo Chavez (Vênêxuêla), Evo Morales (Bôlivia) và Rafael Correa (Êcuađo).

Cả 3 nhà lãnh đạo này đã đề xuất và thông qua trưng cầu ý dân đã thành công trong việc cải tổ hiến pháp, cho phép họ đẩy nhanh những cải cách chính trị, kinh tế - xã hội sâu rộng nhằm xóa bỏ mô hình tự do mới, giải quyết triệt để tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng xã hội và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tổng thống Hugo Chavez thăm các bệnh nhân tại một bệnh viện ở bang Miranda (Vênêxuêla).


Trong khuôn khổ những cải cách đó, Vênêxuêla, Bôlivia và Êcuađo xây dựng mô hình kinh tế theo đó nhà nước tăng cường quản lý - thông qua quốc hữu hóa - các ngành chiến lược như dầu khí, điện lực, viễn thông, luyện kim và giành lại quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, chính phủ Bôlivia và Vênêxuêla tăng cường cải cách ruộng đất, hướng tới việc giao đất cho người lao động trực tiếp.

Dưới thời các tổng thống Hugo Chavez, Evo Morales và Rafael Correa, người dân được thụ hưởng những phúc lợi xã hội có được nhờ nguồn tài chính từ khai thác tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà trước đây rơi vào tay các nhà tư bản trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Êcuađo đã điều tra quá trình mắc nợ công với mục đích xác định các khoản nợ bất hợp pháp và tuyên bố không trả các khoản nợ này. Những quyết định mang tính tự chủ như vậy còn được thể hiện qua việc cả ba nước đã rút khỏi Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) của WB, với lý do mọi khác biệt về đầu tư nước ngoài trước hết phải được giải quyết tại cơ quan trọng tài quốc gia.

Không chỉ 3 quốc gia trên, các nước như Braxin, Áchentina, Nicaragoa, Paragoay… cũng chia tay mô hình tự do mới, từng là nguyên nhân khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn, đặc biệt là Áchentina, quốc gia từng đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế xã hội tồi tệ nhất trong lịch sử của mình những năm 2001-2002 mà thủ phạm được Buênốt Airết “day mặt chỉ tên” không phải ai khác mà là IMF.

ALBA - mô hình liên kết trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau

Cự tuyệt với chủ nghĩa tự do mới, các chính phủ cánh tả ở Mỹ Latinh xây dựng mô hình phát triển dựa trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và sự ra đời của Liên minh Bôliva cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) là kết quả của nỗ lực này.

ALBA là cơ chế hội nhập trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latinh do Vênêxuêla và Cuba khởi xướng năm 2004 như là một sự lựa chọn thay thế Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ đề xuất nhưng thất bại vì không được các nước tại châu lục này ủng hộ. Hiện tại ALBA có 8 thành viên đầy đủ: Vênêxuêla, Cuba, Bôlivia, Nicaragoa, Đôminic, Êcuađo, Xanh Vixen và Grênađin, và Ăngtigoa và Bácbuđa. Và con số này sẽ tiếp tục tăng.

Khác với các hiệp định tự do thương mại mà một số nước Mỹ Latinh đã ký với Mỹ hoặc Liên minh châu Âu, thỏa thuận giữa các chính phủ Vênêxuêla, Bôlivia và Cuba mang tính chất xã hội, nhân văn sâu sắc. Ví dụ, hàng chục ngàn bác sĩ Cuba sang làm việc tình nguyện tại Vênêxuêla để củng cố mạng lưới y tế miễn phí của quốc gia này, đặc biệt là tại các vùng nghèo khó. Đổi lại, chủ yếu là theo phương thức thanh toán phi tiền tệ, Vênêxuêla cung cấp xăng dầu cho Cuba. Những thỏa thuận theo hướng này cũng được Vênêxuêla và Bôlivia ký kết.

Không chỉ liên kết về chính trị, ALBA thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại. Mới đây ALBA đã thành lập không gian kinh tế chung (Eco-ALBA), có ngân hàng chung (Ngân hàng ALBA) và tiến tới sử dụng một đồng tiền chung. Không chỉ dừng lại ở đó, Tổng thống Bôlivia Evo Morales còn đề xuất thành lập Hội đồng phòng thủ ALBA. Theo ông, ALBA cần phải xây dựng một học thuyết quân sự, theo đó các lực lượng vũ trang phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ đế quốc.

Thống nhất lực lượng: Mục tiêu trước mắt và lâu dài

Những thắng lợi liên tiếp của phong trào cánh tả Mỹ Latinh xuất phát từ việc lực lượng cánh tả ở đây đã đổi mới tư duy và phương pháp hoạt động. Thay vì đấu tranh vũ trang giành chính quyền như trước đây, lực lượng cánh tả biết tập hợp rộng rãi lực lượng, liên kết các phong trào cánh tả và tiến bộ khác nhau trong nước và khu vực và đưa ra cương lĩnh tranh cử phù hợp với nguyện vọng của nhân dân lao động.

Tuy nhiên, có một thực tế là tại Mỹ Latinh không thể nói tới một phong trào cánh tả duy nhất, một chính sách đối ngoại thống nhất và một con đường duy nhất hướng tới chủ nghĩa xã hội. Ngay trong một nước cũng có lúc xảy ra hiện tượng phân tán lực lượng, những khuynh hướng khác nhau trong ban lãnh đạo, những tư tưởng khác nhau trong chính phủ liên minh cầm quyền. Điều này đòi hỏi sự cần thiết phải thống nhất lực lượng.

Theo Tổng thống Chavez, cần phải thành lập “Quốc tế cánh tả Mỹ Latinh” để có sự thống nhất hoạt động trong phong trào cánh tả tại khu vực này, trong đó Đảng xã hội thống nhất Vênêxuêla (PSUV) đóng vai trò quan trọng.

Chính PSUV đã ra đời từ sự sáp nhập của khoảng 30 chính đảng và tổ chức cánh tả ủng hộ xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Vênêxuêla.

Quang Sơn (P/v TTXVN tại Áchentina)