05:09 01/05/2017

Khởi sắc ở địa phương đầu tiên được giải phóng

Trải qua 45 năm kể từ sau ngày giải phóng, Hoài Ân (Bình Định) từ một huyện có nền kinh tế thuần nông, độc canh cây lúa đã thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và tương đối toàn diện.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Hoài Ân là một huyện trung du miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Định. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoài Ân là địa phương đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào năm 1972. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng đó, kể từ ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ - chính quyền và nhân dân Hoài Ân đã đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. 

Thi công tuyến đường Cầu Dợi đến Kim Sơn, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Theo ông Hoàng Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, trải qua 45 năm kể từ sau ngày giải phóng, Hoài Ân từ một huyện có nền kinh tế thuần nông, độc canh cây lúa đã thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và tương đối toàn diện.

Xác định việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương nên ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XXIII Đảng bộ huyện (2010 - 2015), Huyện ủy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế gắn với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, huyện xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô phù hợp; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Hoài Ân phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11%; thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Nhờ đó, ngành nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện; năng suất, chất lượng các loại cây trồng ngày càng nâng cao, nhất là cây lúa năng suất bình quân năm 2016 đạt trên 65 tạ/ha, tăng 13,4 tạ/ha so với năm 2010. Một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được quy hoạch và phát triển mạnh như hồ tiêu, bưởi da xanh, bơ sáp tạo ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp.


Ngành chăn nuôi được quan tâm chỉ đạo phát triển mạnh theo hướng trang trại quy mô lớn. Hiện toàn huyện đã có 42 trang trại và trên 3.500 gia trại chăn nuôi đầu tư công nghệ cao được mở rộng về quy mô diện tích, số lượng đàn và sản lượng thịt xuất chuồng, đây chính là thế mạnh của huyện.


Phát huy thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, từ đầu năm 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tài trợ từ các dự án; vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn để phát triển kinh tế rừng. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác bảo vệ và đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, đầu tư trồng và chăm sóc rừng trồng. Từ đó, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và nâng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện từ 50% năm 2010 lên 61,6% năm 2016.


Huyện Hoài Ân cũng đã chủ động xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020. Các cụm công nghiệp được quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng. Nhờ đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,5% và đến năm 2016 đạt giá trị trên 185 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2010... Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo chuẩn mới còn 16,65%.


Thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được trên 320 tỷ đồng; trong đó, nhân dân tham gia đóng góp trên 65 tỷ đồng, riêng hiến đất và nhiều tài sản có giá trị khác quy ra tiền trên 18 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã có 4/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Nguyên, thị trấn Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).

Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến, Bí thư Huyện ủy Hoàng Anh Dũng cho biết thêm, trên cơ sở xác định phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện trong thời gian đến. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (2015 - 2020), Huyện ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Đồng thời, quan tâm tạo ra cơ chế thông thoáng để khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư vào các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn, chú trọng xây dựng một số mô hình làng nghề truyền thống, gắn với khôi phục các làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng... Hoài Ân phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11%; thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.


Bài và ảnh: Viết Ý