01:14 29/01/2021

Khôi phục thỏa thuận hạt nhân: Iran gọi, Mỹ chần chừ

Giới chức ngoại giao Iran cho rằng “cánh cửa đang dần khép lại” với chính quyền Tổng thống Joe Biden nếu muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân.

Chú thích ảnh
Cơ sở hạt nhân Fordo của Iran ở Qom, miền Bắc nước này. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Iran tại Mỹ cảnh báo, chính quyền Tổng thống Joe Biden “phải hành động nhanh chóng” để trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bởi “cánh cửa đang dần khép lại” đối với Washington khi hạn chót mà Tehran đặt ra để Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đang tới gần.

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền được tờ USA Today (Nước Mỹ ngày nay) đăng hôm 28/1, Đại sứ Iran tại Liên hiệp quốc Majid Takht-Ravanchi khẳng định: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, nếu Mỹ quyết định trở lại các cam kết quốc tế và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phi pháp chống Iran, chúng tôi sẽ lại tuân thủ đầy đủ mọi điều khoản có trong JCPOA - một việc làm mang lại lợi ích cho tất cả các bên”. 

Tehran muốn Mỹ tái gia nhập tất cả điều khoản mà Washington đã từ bỏ dưới thời ông Trump. Trong trao đổi, ông Ravanchi cũng đề cập đến khó khăn hai bên gặp phải trong khôi phục ngoại giao hạt nhân, khi bên nào cũng muốn đối phương phải hành động, xuống thang trước. “Bên cần phải thay đổi tiến trình là Mỹ, chứ không phải Iran”, Đại sứ Ravanchi bình luận và cho biết Tehran không thể chấp nhận “đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân”. 

Trước đó, Quốc hội Iran đưa ra thời hạn cuối cùng để Mỹ dỡ bỏ cấm vận là ngày 21/2/2021, coi đây là một phần trong việc khôi phục lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền ông Donald Trump từ bỏ hồi năm 2018. Nếu Mỹ không đáp ứng yêu cầu này, Tehran sẽ ngừng hoạt động giám sát tại một số cơ sở hạt nhân ở Iran đối với các thanh sát viên Liên hiệp quốc, một điều khoản then chốt trong JCPOA. 

Một khi Washington không có hành động xuống thang nào trước hạn chót, Iran có thể đẩy nhanh các bước đi tiến đến việc làm giàu urani sát 90%, ngưỡng cần thiết để chế tạo vụ khí hạt nhân. Để đáp trả việc Mỹ từ bỏ JCPOA, Tehran đang thực hiện làm giàu urani 20%, một động thái vi phạm thỏa thuận. 

Về phần mình, trong ngày đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng chính thức, ông Antony Blinken tái khẳng định quan điểm Mỹ sẵn sàng trở lại JCPOA, nhưng không chấp nhận sức ép của Tehran về buộc Washington phải hành động trước. “Tổng thống Biden đã nói rất rõ rằng, nếu Iran trở lại và tuân thủ triệt để nghĩa vụ có trong JCPOA, Mỹ sẽ làm điều tương tự”, ông Blinken nói. 

Chú thích ảnh
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC, ngày 27/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhìn nhận, để hoàn tất mong đợi của Tổng thống Biden về tái gia nhập JCPOA là cả một “chặng đường dài” và hai bên hiện chưa ở điểm có thể ráp nối được. Iran đã từ bỏ cam kết ở nhiều lĩnh vực và vì thế sẽ cần thời gian để Tehran quyết định quay trở lại, cũng là để Mỹ đánh giá xem hành xử của Iran đã đáp ứng được yêu cầu mà Washington đặt ra hay chưa. 

Theo giới quan sát, sự chần chừ của Mỹ là có thể hiểu được. Nếu trở lại JCPO mà không có được bất kỳ nhượng bộ nào từ Iran, ông Biden sẽ đối mặt với tổn thất chính trị. Tại Quốc hội, phe Cộng hòa cùng với một số nghị sĩ Dân chủ gây sức ép, buộc tân Tổng thống Mỹ theo đuổi phần lớn chiến dịch “gây sức ép tối đa” mà ông Trump phát động chống Iran.

Số này cho rằng, ông Biden nên sử dụng lợi thế có được từ đòn trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm để tạo ưu thế, ép Iran ngừng hành vi gây bất ổn, nhất là chương trình tên lửa đạn đạo và hoạt động hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm.

“Tôi sợ rằng trở lại JCPOA mà không có những biện pháp vững chắc để xứ lý hành vi nguy hiểm, gây bất ổn khác của Iran là không đủ”, thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, người chuẩn bị lên làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bày tỏ quan điểm trước ông Blinken trong phiên điều trần hôm 19/1. 

Trong bối cảnh đó, việc Iran đặt ra hạn chót ngày 21/2 chẳng khác gì hành động “tung trái bom hẹn giờ” - Ali Vaez, chuyên gia về Iran tại Nhóm Khủng hoảng (Crisis Group), một tổ chức phi đảng phái chuyên về ngăn chặn xung đột, bình luận. Theo ông, nếu không có tiến triển từ nay đến thời điểm đó, rất có thể phía trước sẽ là một bước “leo thang hạt nhân nguy hiểm” giữa Mỹ và Iran. 

Điểm tích cực nằm ở chỗ, cả hai đều có quyết tâm chính trị, muốn làm sống lại JCPOA – ông Vaez nói. Xuống thang tiệm tiến sẽ là giải pháp phù hợp. Ông Biden có thể ra sắc lệnh phủ nhận quyết định rút khỏi thỏa thuận của người tiền nhiệm; còn giới lãnh đạo Iran cũng ban hành một nghị quyết tương tự, tuyên bố ý định quay trở lại tuân thủ cam kết. Từ đây, hai nước có thể tạo dựng một lộ trình đề cập những bước đi mang tính điều phối và đồng thời, nhằm khôi phục toàn diện JCPOA.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (USA Today)