04:07 08/04/2021

Khôi phục, phát triển kinh tế Đà Nẵng - Bài 1: Mở tầm nhìn mới

Bước vào năm 2021 thành phố Đà Nẵng có muôn vàn khó khăn và theo đó du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nền kinh tế tăng trưởng âm 9,77%, tâm lý người dân lo lắng sau 2 đợt tập trung toàn diện chiến đấu với dịch COVID-19...

Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã thông qua một loạt các nghị định, quyết định quan trọng nhằm định hướng, hỗ trợ, tạo động lực cho Đà Nẵng vượt qua quãng thời gian khó khăn này. Đây là những động lực giúp thành phố Đà Nẵng vượt bão dịch, vươn tầm trong tương lai.

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Để thực hiện chủ đề năm 2021: “Năm khôi phục, tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” của thành phố Đà Nẵng, không chỉ cần sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn rất cần những định hướng, chiến lược ở tầm vĩ mô và lâu dài. Vì vậy, có thể coi việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 là một “cánh cửa” giúp Đà Nẵng mở rộng tầm nhìn, định hướng cho tương lai.

Những điểm mới trong quy hoạch

Sau 7 năm thực hiện, Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 về Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chung 2013) đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong những năm qua. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã nảy sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, một số dự báo trong Quy hoạch chung 2013 thiếu chính xác, đặc biệt là dự báo về dân số. Do đó, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng lần này đã có nhiều thay đổi nhằm phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.

Cụ thể, điều chỉnh quy hoạch chung lần này đã đề ra tầm nhìn đến năm 2045: Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Kèm theo đó là một số mục tiêu phát triển như xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, xây dựng thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Mục tiêu tiếp theo là thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung, thành phố được chia thành 12 phân khu gồm: Phân khu Sinh thái phía Tây, Phân khu Sinh thái phía Đông, Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông, Phân khu Ven Vịnh Đà Nẵng, Phân khu Cảng biển Liên Chiểu, Phân khu Công nghệ cao, Phân khu Trung tâm lõi xanh, Phân khu Đổi mới sáng tạo, Phân khu Sân bay, Phân khu Đô thị sườn đồi, Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phân khu Dự trữ phát triển.

So với Quy hoạch chung 2013, điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ chuyển đổi mô hình phát triển dàn trải, sử dụng đất đơn năng (làng đại học, khu công nghiệp…), phát triển đơn cực (chủ yếu là Hải Châu – Thanh Khê) thành đô thị nén, sử dụng đất đa năng (các khu đô thị đại học, khu đô thị công nghệ cao, sân bay, cảng biển, …), sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ, phát triển đa cực, đa trung tâm. Dự báo dân số đến 2030, Đà Nẵng có khoảng 1,79 triệu người; trong đó, dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người.

Các điểm nhấn đô thị gồm: Khu Bảo tàng sống là khu vực đô thị truyền thống với các con đường có quy mô phù hợp các kiệt, hẻm và Đình làng Hải Châu và Trung tâm kinh tài chính tập trung có diện tích khoảng 62 ha, được thiết kế để trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố).

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ thiết lập 2 vành đai kinh tế là: Vành đai phía Bắc là Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics. Vành đai phía Nam là Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, bổ sung 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung gồm: Cụm Công nghiệp công nghệ cao; Cụm Cảng biển và Logistics; Cụm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cụm Đổi mới sáng tạo. Cùng đó, định hướng phát triển du lịch trên toàn thành phố.

Nền tảng cho sự phát triển

Ngay sau khi được công bố, Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đã được giới chuyên môn, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư đánh giá cao. Theo kiến trúc sư, TS. Ngô Viết Nam Sơn, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đây là một bước tiến mới của Đà Nẵng về mặt quy hoạch.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng sẽ có những khu vực có chức năng đặc biệt như: Khu công nghệ cao gắn liền Khu đô thị Cảng Liên Chiểu, các khu Đô thị đổi mới sáng tạo gắn với các trường đại học biến Đà Nẵng thành đô thị đa trung tâm với nhiều bản sắc đa dạng.

Việc phát triển lĩnh vực logistic và cảng biển sẽ là một bước tiến để Đà Nẵng trở thành trung tâm vùng có tiềm lực lớn hơn hiện tại. Tuy nhiên, đây chỉ là quy hoạch chung, vẫn còn khá nhiều công việc phải làm, đi vào quy hoạch chi tiết và có kế hoạch thực hiện cụ thể, như vậy mới có thể đem lại tầm cao mới cho Đà Nẵng trong thời gian tới, TS.Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Ngay sau khi công bố điều chỉnh quy hoạch chung, đã có 11 nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế bày tỏ mong muốn lập dự án nghiên cứu, đầu tư vào nhiều khu vực thuộc 12 phân khu của thành phố Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG cho biết, đối với BRG, Đà Nẵng là điểm đến đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, minh chứng bằng việc tập đoàn đầu tư các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp tại đây...

Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, điều chỉnh quy hoạch chung lần này sẽ mang lại cho nhà đầu tư những định hướng rõ ràng và nhất quán, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của toàn thành phố.

“Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo thành phố, người dân, doanh nghiệp sẽ tạo được sự bứt phá, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế, xã hội lớn của cả nước và khu vực. Trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này, tập đoàn BRG đã đề xuất nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển không gian khu vực phía nam huyện Hòa Vang và đã được UBND thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp thực hiện các bước tiếp theo. Đây là các khu vực được thiên nhiên ưu đãi về địa hình, cảnh quan, nhiều tiềm năng để phát triển khu đô thị sườn đồi kết hợp du lịch, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng hiệu quả hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu…

Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng cho biết, trong tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh như công khai, minh bạch về tài nguyên đất đai, cải cách thủ tục hành chính với tinh thần đúng pháp luật nhưng nhanh gọn, thuận lợi nhất. Thành phố sẽ sát cánh cùng người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu để ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới. Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành nơi bạn hài lòng nhất”, ông Chinh khẳng định.

Bài cuối: Niềm tin dự án tiềm năng

Quốc Dũng (TTXVN)