01:13 18/01/2015

Khơi nguồn động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới của hội nhập

Mục tiêu của hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2015 - khơi nguồn động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới của hội nhập" là đưa ra những dự báo về phát triển kinh tế Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Kinh tế Việt Nam năm 2015 - khơi nguồn động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới của hội nhập.

Hội thảo có khoảng 120 đại biểu đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các hiệp hội cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế xã hội.

Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá lại hiện trạng nền kinh tế năm 2014, phân tích và chỉ ra những rào cản chính đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam, đánh giá những cơ hội và thách thức từ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam năm 2015, từ đó đưa ra những dự báo về phát triển kinh tế Việt Nam năm 2015.

Đặc biệt hội thảo sẽ tập trung vào việc khuyến nghị những chính sách nhằm khơi thông các động lực tăng trưởng của Việt Nam, hướng tới sự phát triển hiệu quả và bền vững.

Hội thảo đã thu hút được nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu tham gia viết bài đóng góp. Tổng cộng có 73 bài viết được đăng trên kỷ yếu của Hội thảo, tập trung vào 5 nội dung chính: thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2014 và triển vọng năm 2015; thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới của hội nhập; nâng cao hiệu quả các chính sách vĩ mô; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là giải pháp then chốt để bảo đảm tăng trưởng bền vững vì nông nghiệp chiếm gần 50% lao động và khoảng 70% dân số ở nông thôn.

Trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam cần chú trọng đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tập trung tháo gỡ tắc nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp; lựa chọn ngành hàng chiến lược để phát triển các chuỗi ngành/hàng sản xuất – chế biến – phân phối; ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh nông sản.

GS TS Trần Thọ Đạt Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Với biên độ tăng trưởng năng suất lao động của các ngành và nền kinh tế chỉ dao động trong ngưỡng 4% như trong những năm gần đây, Việt Nam khó có thể tránh được “bẫy thu nhập trung bình” trong tương lai gần, thậm chí có thể còn bị tụt hậu xa hơn nữa so với các quốc gia trong khu vực.

Do đó, để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần dựa vào các nhân tố khởi nguồn tăng trưởng mới thay thế cho sự hụt hơi của những động lực tăng trưởng cốt lõi trước đây.

Việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia vừa rồi cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung các nỗ lực nhằm nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng.


Việt Hà