03:08 22/03/2013

Khối ngành kinh tế vẫn “nóng”

Những mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, khối ngành kinh tế thường là ưu tiên lựa chọn số một của nhiều thí sinh. Năm nay, có ý kiến lo ngại ngành kinh tế không còn “hot” như trước bởi tình hình suy giảm kinh tế khiến sinh viên ngành này ra trường khó kiếm được việc làm.

Những mùa tuyển sinh ĐH, CĐ trước, khối ngành kinh tế thường là ưu tiên lựa chọn số một của nhiều thí sinh. Năm nay, có ý kiến lo ngại ngành kinh tế không còn “hot” như trước bởi tình hình suy giảm kinh tế khiến sinh viên ngành này ra trường khó kiếm được việc làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong mùa tuyển sinh này, sức hút của khối ngành kinh tế vẫn chưa hết “nóng”.

 

Một gian tư vấn cho thí sinh của trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội.

Tại ngày hội hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi trẻ và Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội, các trường kinh tế nhận được câu hỏi của nhiều thí sinh là liệu 4 năm nữa, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có khởi sắc?


Trước băn khoăn này của thí sinh, PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Hiệu trưởng ĐH Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh đã tư vấn rất hóm hỉnh: “Thời tiết trong một ngày còn thay đổi, một đội bóng đá cũng có lúc đá hay và đạt cúp vô địch, nhưng có năm trắng tay. Ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - quản trị kinh doanh cũng có lúc thăng, lúc trầm”.


PGS.TS Hoàng Trần Hậu cho rằng, thí sinh có thể yên tâm khi chọn ngành kinh tế với lý do năm nay, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có dấu hiệu phục hồi. Dự báo trong vài năm tới, nhu cầu của xã hội về nhân lực ngành kinh tế sẽ cao trở lại. “Vậy các em cứ mạnh dạn chọn một chuyên ngành kinh tế phù hợp với sở trường cũng như niềm đam mê của mình”, ông Hậu nói.


Thực ra, việc thí sinh lo không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp các ngành kinh tế là có căn cứ. Từ cuối năm 2012, Bộ GD -ĐT đã có thông báo: Từ năm 2013 sẽ tạm dừng mở mới các ngành đã “bão hòa” như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…; không mở mới các trường ĐH đào tạo các ngành này. Theo thống kê của Bộ, trong năm 2011, trong số 416 trường ĐH, CĐ thì có đến 248 trường tuyển sinh các nhóm ngành kinh tế. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của thí sinh trong 3 năm (2009-2011) vào các ngành trên chiếm tới gần 41% tổng số hồ sơ, trong khi đó các nhóm ngành cơ bản khác như nông - lâm - ngư, kiến trúc, xây dựng chỉ chiếm vài phần trăm.


Trong mùa tuyển sinh này, các trường đào tạo khối ngành kinh tế vẫn tiếp tục tuyển sinh, nhưng để đảm bảo đầu ra cho sinh viên, các trường sẽ chú trọng thiết kế chương trình dạy và học gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo các kĩ năng mềm cho sinh viên. Đồng thời, các trường cũng chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào các khối ngành này. Cụ thể, năm nay, trường ĐH Sài Gòn giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế hệ ĐH và dừng tuyển sinh khối kinh tế hệ CĐ. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM giảm 1.100 chỉ tiêu các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Do vậy, chỉ tiêu tuyển mới của trường năm nay chỉ còn 4.700.


Dù các trường chủ trương cắt giảm chỉ tiêu, bản thân nhiều thí sinh cũng đang băn khoăn khi chọn khối ngành kinh tế, nhưng dự kiến năm nay, số thí sinh lựa chọn thi vào khối ngành này giảm không nhiều. Tại các buổi tư vấn tuyển sinh do các trường ĐH hay Bộ GD - ĐT tổ chức, các thí sinh vẫn đặc biệt quan tâm đến khối ngành này. GS.TS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút thí sinh, đặc biệt là thí sinh khá giỏi vì sau khi ra trường, các em dễ kiếm việc làm với mức lương cao. Ths Hứa Minh Tuấn, ĐH Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh khuyên thí sinh: Hiện nay, nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn nên nhiều doanh nghiệp phá sản. Nhưng theo quy luật, qua giai đoạn khó khăn, nền kinh tế sẽ khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng lao động khi đó sẽ tăng trở lại”.


Thực tế còn cho thấy, hiện nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành kinh tế là rất lớn, đặc biệt là nguồn nhân lực đảm nhiệm công tác hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô. Cụ thể, năm nay, Học viện Chính sách và Phát triển sẽ tuyển sinh 500 chỉ tiêu ở các chuyên ngành chính sách kinh tế, phân tích dự báo kinh tế vĩ mô như: Quy hoạch phát triển, kế hoạch phát triển, chính sách công, tài chính công…


Đại diện phòng Quản lí đào tạo học viện cho biết, học viện tuyển sinh ở quy mô vừa phải chứ không mở rộng để tránh tình trạng dư thừa nhân lực. Sinh viên ra trường sẽ công tác tại các cơ quan quản lí nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, hoạch định chiến lược phát triển cho doanh nghiệp…


Về phía Bộ GD - ĐT, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục gợi ý, việc lựa chọn khối, ngành để thi, thí sinh cần dựa trên sở trường, năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu nhân lực xã hội và khả năng tìm kiếm việc làm tương lai…



Bài và ảnh: Hoàng Dương