08:14 02/08/2014

Khởi công nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp, Hải Phòng

Tuyến kênh Cái Tráp sau khi được nâng cấp sẽ tiếp nhận được hầu hết các phương tiện vận tải nội địa và tàu biển cỡ nhỏ 1.000-3000DWT (tấn trọng tải) sẽ giảm tải cho tuyến kênh Hà Nam cũng như giảm tải cho toàn tuyến luồng Hải Phòng.

Sáng 2/8, tại Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp khu vực Hải Phòng, giai đoạn 1, theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam Đỗ Đức Tiến cho biết, tuyến kênh Cái Tráp sau khi được nâng cấp sẽ tiếp nhận được hầu hết các phương tiện vận tải nội địa và tàu biển cỡ nhỏ 1.000-3000DWT (tấn trọng tải) sẽ giảm tải cho tuyến kênh Hà Nam cũng như giảm tải cho toàn tuyến luồng Hải Phòng nói chung. Khi đó, kênh Hà Nam sẽ được ưu tiên chạy các tàu có trọng tải lớn, giảm thiểu được ách tắc, nguy cơ mất an toàn hàng hải trên tuyến.

Cảng biển Hải Phòng được xác định là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Bắc. Tổng sản lượng hàng hoá thông qua thông qua các cầu, bến thuộc khu vực Cảng biển Hải Phòng tăng khá cao từ 20-22%/năm. Lượng hàng hoá trong giai đoạn 2010-2013 đã vượt gấp 4 lần so với dự báo trước đây. Vì vậy, mật độ tàu thuyền lưu thông trên tuyến tăng lên nhiều, gây khó khăn trong việc sắp xếp, điều động tàu ra vào các cầu bến.

Hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, luồng vào các bến cảng khu vực Hải Phòng chủ yếu qua các đoạn kênh Hà Nam, Nam Triệu và Cái Tráp, trong đó, kênh Hà Nam phục vụ cho tàu vận tải cỡ lớn; luồng Nam Triệu và kênh Cái Tráp dành cho tàu biển cỡ 1.000DWT lợi dụng triều và các phương tiện thuỷ nội địa, hiện đang bị bồi lắng rất lớn, cao độ đáy luồng Nam Triệu đạt âm 1m đến âm 1,3m và Kênh Cái Tráp chỉ đạt âm 0,5m đến âm 0,9m.

Do vậy, các tàu biển cỡ nhỏ, và phương tiện thuỷ không qua được kênh Cái Tráp mà phải đi qua kênh Hà Nam vốn đang bị quá tải (cao điểm 70 lượt tàu/4-5 giờ nước lớn khai thác) nên xảy ra nhiều sự cố va chạm trên luồng và nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn sẽ gia tăng theo tăng trưởng hàng hoá qua cảng.

Xuất phát từ thực tế khai thác tuyến luồng, Bộ Giao thông Vận tải đã giao luồng kênh Cái Tráp cho Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp. Quy mô dự án giai đoạn 1 đầu tư xây dựng nâng cấp luồng 2 chiều nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện vận tải thủy nội địa và đội tàu biển có trọng tải đến 1.000DWT chạy chung với phương tiện thủy nội địa đến 600 tấn, chiều rộng luồng 70m, cao độ đáy luồng nạo vét âm 1,8m.

Thời gian dự kiến hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng là hết quý IV/2014.


Quang Toàn