04:12 20/04/2022

Khoảng 30% bệnh nhân Mỹ được theo dõi mắc 'COVID kéo dài'

Hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về tác động của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả việc có bao nhiêu người mắc hội chứng "COVID kéo dài" ("Long COVID").

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nghiên cứu mới đây của Đại học California Los Angeles (UCLA) cho thấy 30% bệnh nhân được điều trị COVID-19 đã phát triển Di chứng sau khi mắc cấp tính COVID-19 (PASC), thường được gọi là “COVID kéo dài”. Nghiên cứu này, được đăng trên tạp chí Springer, cho thấy những bệnh nhân có tiền sử nhập viện, tiểu đường và chỉ số cân nặng cao có nhiều khả năng mắc hội chứng này hơn. Điều đáng ngạc nhiên là những yếu tố về nhân khẩu học vốn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID cao hơn, như dân tộc, tuổi già và tình trạng kinh tế xã hội, lại không liên quan đến hội chứng "COVID kéo dài".

Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học của UCLA đã nghiên cứu 1.038 bệnh nhân tham gia Chương trình cứu thương UCLA COVID từ tháng 4/2020 đến tháng 2/2021. Trong số đó, 309 người đang phải sống với hội chứng "COVID kéo dài". Ở những bệnh nhân nhập viện, các triệu chứng dai dẳng nhất là mệt mỏi và khó thở (lần lượt là 31% và 15%). Mất khứu giác (chiếm 16%) là triệu chứng được báo cáo nhiều nhất ở bệnh nhân ngoại trú.

Tiến sĩ Sun Yoo, Trợ lý giáo sư lâm sàng về khoa học sức khỏe tại Trường Y David Geffen thuộc UCLA, cho biết nghiên cứu trên phản ánh sự cần thiết phải theo dõi các nhóm bệnh nhân khác nhau để nắm rõ hơn về hội chứng "COVID kéo dài". Các nhà nghiên cứu cũng cần các công cụ tốt hơn để chẩn đoán chính xác "COVID kéo dài" và để phân biệt hội chứng này với các đợt bệnh trầm trọng của các bệnh mãn tính hoặc mới xuất hiện. Tiến sĩ Sun Yoo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo các bệnh nhân ngoại trú được quyền tiếp cận công bằng với các dịch vụ chăm sóc khi mắc "COVID kéo dài".

Theo các chuyên gia y tế, có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Phương Oanh (TTXVN)