10:12 01/10/2015

Khó xử lý vấn nạn bơm nước vào lợn

Những con lợn bị bơm nước đến căng tròn, không thể đứng nổi. Có con vì bị bơm nước quá nhiều mà lên cơn co giật liên tục. Hàng chục công nhân bỏ chạy tán loạn khi thấy đoàn kiểm tra đến. Lối ra vào được khóa cẩn thận và bên trong luôn có người canh gác.


Lợn tại lò giết mổ ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long được giết mổ trong tình trạng hết sức mất vệ sinh.

Đó là những gì chúng tôi chứng kiến khi đi cùng đoàn cán bộ Chi cục Thú y Bạc Liêu kiểm tra các lò giết mổ gia súc tập trung trong tỉnh...

Bơm nước đến khi nào lợn ngã xuống thì ngưng

Lò giết mổ gia súc tập trung ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai là một trong những lò mổ lớn tại Bạc Liêu. Mỗi đêm nơi này giết mổ hàng trăm con lợn, cung cấp cho thị trường Bạc Liêu, Cà Mau. Khi đoàn kiểm tra đến, tại nhiều chuồng, đàn lợn nằm im như đang ngủ nhưng không khó để phát hiện ra một số điểm bất thường.

Có con thì liên tục nôn ra thức ăn, có con trên mõm xuất hiện vết thương vẫn còn rướm máu. Không con nào đứng dậy nổi. Tất cả đều đã bị bơm nước và đang chờ bị giết mổ.

Sau hơn 20 phút tìm kiếm, tại một rãnh thoát nước ở cuối khu chuồng, cán bộ thú y phát hiện một bộ dụng cụ dùng để bơm nước vào lợn được giấu tại đó. Làm việc với đoàn kiểm tra, các chủ giết mổ tại đây thản nhiên thừa nhận họ bơm nước vào lợn trước khi giết mổ.

Và việc bơm nước đã trở thành một "quy tắc" mà mỗi lái lợn tại lò mổ Láng Tròn đều thuộc lòng. Khi chúng tôi hỏi mỗi con lợn bị bơm bao nhiêu nước trước khi giết mổ thì một người đàn ông tên là Cường nói họ chỉ biết "bơm đến khi nào con lợn ngã xuống thì đem ra thịt".

Theo các chủ giết mổ lợn tại lò Láng Tròn, mỗi người trong số họ đều từng bị phạt vài lần về hành vi bơm nước nên đã quen với việc bị kiểm tra thường xuyên như vậy. Mặc dù tất cả các chủ giết mổ lợn tại đây đã ký cam kết không bơm nước vào lợn trước khi giết mổ, song không ai thực hiện.

Theo những người này, số lợn bị bơm nước chiếm khoảng 70% trên tổng số lợn được giết mổ hàng đêm. Lợn không bơm nước thì tiêu thụ tại địa phương, còn lợn bơm nước thì họ đem bỏ mối cho tiểu thương ở Bạc Liêu, Cà Mau...

Ngoài ra, lò mổ ở chợ Trưởng Tòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) cũng bị phát hiện bơm nước vào lợn. Đây là lò mổ nằm trong khu vực dân cư, cơ sở vật chất đã xuống cấp, không đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường, cần phải di dời.

Điều đáng nói là các lò mổ này không chỉ bơm nước vào lợn, mà quy trình giết mổ cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợn được giết mổ trực tiếp trên sàn xi măng ngập ngụa máu và chất thải.

Sản phẩm thịt sau khi giết mổ bị vứt lăn lóc trên nền nhà dơ bẩn. Sau đó, các sản phẩm này được xử lý qua loa, phân loại và đưa ra thị trường. Phần lớn công nhân làm việc tại các lò mổ này đều không có bảo hộ lao động.

Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ sở này khá tinh vi và được canh giữ rất nghiêm ngặt. Ở lò mổ chợ Trưởng Tòa, ngoài cổng rào bên ngoài, phía trong vẫn còn một cánh cổng và đặc biệt cánh cổng này được chủ lò mổ dùng bạt cao su che kín lại nên mặc dù nằm sát mặt đường nhưng người bên ngoài khó lòng biết được hoạt động bên trong.

Dụng cụ bơm nước vào lợn bị phát hiện tại lò mổ ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai.

Khi bị kiểm tra bất ngờ, trong lúc đợi chủ lò mổ đến mở cổng, những người giết mổ bên trong đã nhanh chóng giết lợn đã bơm nước để phi tang chứng cứ.

Khi chúng tôi đến lò mổ Trưởng Tòa, người thanh niên làm nhiệm vụ gác cổng tại đây cho biết, chìa khóa cổng do chủ giữ nên anh ta không thể mở cửa cho đoàn kiểm tra vào. Phía trong lò mổ, âm thanh giết mổ vẫn liên tục vang lên.

Khi chúng tôi vào được khu giết mổ thì bên trong là hơn 20 con lợn đã chết nằm lăn lóc. Theo một cán bộ thú y trong đoàn, bình thường công nhân sẽ dùng xô chậu để hứng tiết lợn vì đây cũng là một sản phẩm trong quá trình giết mổ.

Tuy nhiên do đoàn kiểm tra đến bất ngờ nên họ phải nhanh chóng giết hết số lợn của đêm đó để phi tang chứng cứ lợn bị bơm nước. Khi lợn đã chết thì mặc dù biết rõ lò mổ có bơm nước nhưng không thể tiến hành xử phạt.

Xử lý nghiêm các trường hợp bơm nước vào lợn

Theo ông Trương Phước Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bạc Liêu, việc bắt quả tang các đối tượng bơm nước vào lợn rất khó khăn. Khi đơn vị kiểm tra bắt quả tang hoặc nghi ngờ có dấu hiệu bơm nước vào lợn thì giữ lại 6 tiếng không cho giết mổ.

Trong thời gian đó, nếu lợn chết thì chứng tỏ đã bị bơm nước. Trường hợp này, chủ cơ sở sẽ bị xử phạt từ 4 - 5,5 triệu đồng mỗi con lợn vi phạm. Thời gian tới, Chi cục Thú y tỉnh sẽ kết hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là việc bơm nước vào lợn, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi thì hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước khi giết mổ sẽ bị phạt hành chính từ 5 - 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, mỗi đêm, cơ sở ở phường Láng Tròn có thể giết mổ từ vài chục đến hơn 100 con lợn, đồng nghĩa với việc các lái lợn sẽ thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Như vậy, khoản tiền phạt ít ỏi kia không thấm vào đâu, điều này khiến các thương lái không chùn tay.

Để giúp người tiêu dùng nhận biết và phân biệt lợn có bơm nước hay không, ông Trương Phước Thông cho biết: "Đối với thịt lợn bị bơm nước thường có màu nhạt, miếng thịt mềm, thớ cơ nở, để lâu sẽ rỉ dịch, có mùi hôi, khi chế biến tiết ra nước nhiều hơn…

Thịt ngon (không bơm nước) có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, khối thịt săn chắc, không nhũn nhão, không rỉ nước, có độ đàn hồi cao. Vết cắt ra sẽ có màu sắc bình thường, sáng và khô. Thịt ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm".

Chọn mua thịt, người dân có thể phân biệt bằng cách dùng ngón tay ấn lên miếng thịt, nếu thấy bề mặt tạo thành vết lõm và nhanh chóng phục hồi khi nhấc tay ra là thịt tươi ngon, còn ngược lại là thịt kém chất lượng (thịt có bơm nước).

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)