05:15 29/05/2012

Khó xây dựng thương hiệu trong xuất khẩu lâm sản

Giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản và gỗ liên tục tăng trong những năm gần đây nhưng phần lớn chỉ là gia công, phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản và gỗ liên tục tăng trong những năm gần đây nhưng phần lớn chỉ là gia công, phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài. Để có thể nâng cao giá trị gia tăng, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ nói riêng và lâm sản nói chung thì công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng cần được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển hơn nữa.

 

Quy mô nhỏ, vốn hạn hẹp


Nước ta hiện có trên 3.900 doanh nghiệp chế biến gỗ và hàng nghìn cơ sở chế biến lâm sản ở các loại hình sở hữu khác nhau; trong đó, có khoảng 95% số doanh nghiệp chế biến lâm sản thuộc loại hình sở hữu tư nhân và khoảng 5% thuộc sở hữu nhà nước. Điều đáng nói là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm khoảng 16% tổng số doanh nghiệp chế biến lâm sản của cả nước nhưng lại có giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50%.


Nhìn chung, các doanh nghiệp chế biến lâm sản đều là doanh nghiệp có quy mô nhỏ cả về số lượng lao động lẫn vốn đầu tư. Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP, nếu tính trên mức độ sử dụng lao động thì có tới 46% tổng số doanh nghiệp chế biến lâm sản có quy mô siêu nhỏ, 49% là doanh nghiệp quy mô nhỏ, 1,7% có quy mô vừa và chỉ có 2,5% số doanh nghiệp là quy mô lớn. Nếu xét trên quy mô vốn đầu tư thì có trên 93% tổng số doanh nghiệp chế biến ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 5,5% số doanh nghiệp ở quy mô vừa và chỉ có 1,2% có quy mô lớn.


 

Công ty cổ phần chế biến gỗ Trường Thành (Đắk Lắk) chuyên sản xuất bàn, ghế, giường, tủ xuất khẩu từ nguyên liệu gỗ, tre, nứa. Trong ảnh: Hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

 

Quy mô sản xuất nhỏ lại cộng thêm sự hạn hẹp về nguồn vốn đầu tư nên hiện vẫn có hơn 50% số cơ sở chế biến lâm sản có trang thiết bị đơn giản phục vụ sơ chế và sản xuất sản phẩn hoàn chỉnh có chất lượng thấp, phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công nguyên liệu cho các doanh nghiệp có quy mô lớn. Các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ như hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác... thường có công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, năng lượng, khả năng quản lý, khả năng thiết kế mẫu mã sản phẩm và năng lực xúc tiến thương mại bị hạn chế nên sản phẩm làm ra có giá thành cao, khiến năng lực cạnh tranh cũng cao. Hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế và có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng.


Bên cạnh đó, sự phân bố của các đơn vị chế biến lâm sản chưa phù hợp trên phạm vi cả nước đang làm lãng phí nguồn lực tự nhiên cũng như làm tăng chi phí sản xuất. Những địa phương có nhiều rừng như vùng Tây Bắc, Bắc Trung bộ hay Tây Nguyên lại có số lượng và quy mô các doanh nghiệp chế biến lâm sản rất nhỏ bé. Trong khi hơn 80% số doanh nghiệp và cơ sở chế biến tập trung ở các tỉnh phía Nam và một số vùng ít rừng như Đông Nam bộ lại có gần 60% số doanh nghiệp chế biến của cả nước với những doanh nghiệp có quy mô khá lớn. Sự phát triển quá “nóng” ở một số địa phương trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản khiến cho ngành chế biến lâm sản, nhất là chế biến lâm sản xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.

 

Nâng cao chất lượng để phù hợp thị trường


Trong những năm qua, ngành chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ đã có bước phát triển vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng cao. Năm 2011, xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đã đạt 4,19 tỷ USD, tăng gần 11,5% so với năm 2010, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,95 tỷ USD, tăng hơn 15%. Lâm sản chế biến, nhất là các sản phẩm gỗ, đã và đang trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu 80% gỗ nguyên liệu (khoảng 3,5 triệu m3), tương đương 1,5 tỷ USD.


Theo ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, sản lượng nhập khẩu chiếm 40% sản lượng xuất khẩu, tức là sản phẩm sản xuất trong nước đã đóng góp được 60% kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, không nên bằng mọi cách để không nhập khẩu, vấn đề là tăng sản xuất trong nước và nhập khẩu hợp lý. Để sản xuất các sản phẩm lớn, ngành chế biến lâm sản Việt Nam vẫn cần phải nhập khẩu nguyên liệu. “Nhập khẩu để sản xuất ra hàng hóa có giá trị cao nhất, đồng thời nhập khẩu để tăng chất lượng gỗ trong nước, để gỗ trong nước có thể sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn. Như hiện nay nếu chỉ xuất khẩu dăm gỗ thì thu về chỉ có vài trăm USD/m3. Kết hợp với gỗ nhập khẩu để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có giá trị hàng nghìn USD/m3” - ông Hà Công Tuấn cho biết.


Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng. Đặc biệt chú trọng phát triển ván sợi ép, thậm chí cần coi đây là khâu đột phá trong giai đoạn 2012 – 2015 vì phát triển loại cây này vừa có thể nâng cao giá trị gia tăng của lâm sản, vừa tạo điều kiện để đa dạng hóa sản phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn là đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mỹ nghệ và sản phẩm tinh chế từ lâm sản ngoài gỗ.


Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 120 quốc gia. Trong đó, ba thị trường chính chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (38-44%), EU (28-30%), Nhật Bản (12-15%). Tuy nhiên, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và nghề muối cho biết: Các mặt hàng lâm sản chủ yếu vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên chưa chủ động đối với thị trường xuất khẩu. Việc tập trung vào 3 thị trường lớn này một mặt tạo ra sức tiêu thụ lớn, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng đầy rủi ro khi chính các thị trường này có những biến động bất lợi. Như gần đây, thị trường EU và Mỹ đã đưa ra những yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gỗ đã tạo ra những khó khăn nhất định trong xuất khẩu lâm sản. Do vậy, bên cạnh các thị trường lớn mang tính truyền thống này, cần quan tâm phát triển những thị trường có nhiều tiềm năng như Đông Âu, Trung Đông, Trung Quốc. Thị trường nội địa cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp với thị hiếu khách; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời triển khai xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.

 

Bích Hồng