03:12 27/03/2021

Kho vũ khí quân sự của Triều Tiên hiện nay lớn mạnh đến cỡ nào

Hai quả tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng ngày 25/3 đã rơi vô hại xuống biển, nhưng các chuyên gia cho rằng vụ phóng là bằng chứng tiếp theo cho thấy sức mạnh đang được tăng cường của kho vũ khí Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Hình ảnh từ truyền thông nhà nước Triều Tiên về vụ thử tên lửa ngày 25/3/2021. 

Ngay câu đầu tiên trong báo cáo về năng lực quân sự của Bình Nhưỡng, được cập nhật tháng 11/2020, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) đã nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh tại châu Á coi Triều Tiên là một "mối đe dọa an ninh nghiêm trọng”.

Nhưng có lẽ tuyên bố đáng lo ngại nhất trong báo cáo của CFR là: “Triều Tiên có thể sở hữu trên 60 vũ khí hạt nhân, theo ước tính của các chuyên gia, và đã thử thành công các tên lửa có thể tấn công Mỹ, mang theo đầu đạn hạt nhân”.

Những quả tên lửa đạn đạo được Bình Nhưỡng phóng thử hôm 25/3 nhiều khả năng là loại tầm ngắn, không gây nguy hiểm với đại lục Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Washington ở Thái Bình Dương, nơi đặt nhiều căn cứ với hàng chục ngàn nhân sự Mỹ, đã được báo động. Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga gọi vụ phóng kép này là “mối đe dọa với hòa bình và an ninh” của Nhật Bản.

Trước đây Triều Tiên đã từng nhiều lần thử tên lửa có thể bắn tới Nhật Bản. Năm 2017, nước này phóng hai quả tên lửa đạn đạo bay qua quần đảo Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Cùng năm 2017, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Hwasong-15, rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Theo ông David Wright, chuyên gia của Liên minh Các nhà khoa học có liên quan (The Union of Concerned Scientists), nếu bay theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa này có thể vượt 13.000 km. “Một quả tên lửa như vậy có thể bắn tới Washington DC, và bất cứ nơi nào trên đại lục Mỹ”, ông Wright nói trong một tuyên bố vào thời điểm đó, dù lưu ý tầm bắn này có thể không khả thi nếu tên lửa được gắn đầu đạn hạt nhân nặng.

Xem video Triều Tiên phóng thử tên lửa ICBM Hwasong-15 vào năm 2017 (Nguồn: NBC)

Tên lửa lớn nhất của Triều Tiên

Tháng 10 năm ngoái, Triều Tiên đã phô trương tên lửa lớn nhất của họ - một phiên bản cập nhật của Hwasong-15 – đặt trên bệ phóng di động 11 trục trong cuộc diễu binh qua các đường phố ở Bình Nhưỡng.

Phát biểu sau sự kiện này, Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Vì lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington DC, cho biết tên lửa này dường như là một ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng mới "lớn hơn nhiều và rõ ràng là mạnh hơn bất cứ thứ gì" trong kho vũ khí của Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo của CFR lưu ý rằng do tên lửa khổng lồ trưng bày tại lễ duyệt binh vẫn chưa được thử nghiệm nên khả năng thực sự của nó vẫn chưa được biết đến.

Chú thích ảnh
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ được giới thiệu tại cuộc duyệt binh tháng 10/2020 là tên lửa lớn nhất của Triều Tiên. Ảnh: CNN

"Các nhà phân tích cho biết nó có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân hoặc mồi nhử để gây nhầm lẫn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa", báo cáo của CFR nêu.

Cũng theo báo cáo này, Triều Tiên đã thử thành công bom hạt nhân 6 lần, vào các năm 2006, 2009, 2013, 2 lần vào năm 2016 và năm 2017. “Với mỗi lần thử nghiệm, các vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên lại tăng thêm sức mạnh", báo cáo viết.

Theo một nghiên cứu của các nhà địa chấn học thuộc Đại học California Santa Cruz (Mỹ), vụ thử năm 2017 cho đến nay là vụ thử lớn nhất, ước tính có sức công phá 250 kiloton thuốc nổ TNT (trong khi quả bom ném xuống Hiroshima chỉ có sức công phá tương đương 16 kiloton TNT).

Các chuyên gia cũng đưa ra một số cảnh báo liên quan đến vụ thử này. Mặc dù đã kích nổ bom thành công nhưng Triều Tiên vẫn chưa chứng minh được rằng họ có thể gắn chúng hiệu quả lên tên lửa đạn đạo.

Tên lửa đạn đạo chỉ được cung cấp năng lượng trong các giai đoạn đầu của hành trình, đạt đến đỉnh điểm vào một thời điểm nào đó và sau đó rơi nhờ trọng lực xuống mục tiêu của chúng.

Các quả tên lửa đạn đạo tầm xa đều rời khỏi bầu khí quyển của Trái đất sau khi phóng. Để bắn trúng mục tiêu, các đầu đạn trên những tên lửa đó phải duy trì được nhiệt sinh ra khi chúng quay trở lại bầu khí quyển, giống như tàu vũ trụ có người lái phải làm khi quay trở lại quỹ đạo.

Nhưng các chuyên gia nhận định, với những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được - đặc biệt là trong chương trình hiện đại hóa tên lửa dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un - nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ cải thiện công nghệ này vào một thời điểm nào đó.

Chú thích ảnh
Ảnh cho thấy vật thể có vẻ là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng.

Năng lực vũ khí được tăng cường

Triều Tiên cũng được cho là đang chế tạo ngày càng nhiều tên lửa, cả tên lửa hạt nhân và thông thường. Sách Trắng năm 2020 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng có 13 lữ đoàn tên lửa. Tại cuộc duyệt binh hồi tháng 10/2020, 9 tên lửa đã được trình làng, bao gồm ICBM cỡ lớn và một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

"Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục nâng cấp năng lực hạt nhân và tên lửa dưới danh nghĩa tăng cường khả năng tự vệ và huy động toàn bộ nhân lực và nguồn lực với mục tiêu cải thiện cuộc sống của người dân vào năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 110 năm sinh nhật cố lãnh tụ Kim Nhật Thành”, báo cáo của CFR nhận định.

Các loại vũ khí thông thường của Triều Tiên cũng gây chú ý. Bộ Quốc phòng Seoul cho biết quân đội Bình Nhưỡng đã phát triển nhiều bệ phóng tên lửa mới có thể tấn công bất cứ nơi nào ở Hàn Quốc.

Chú thích ảnh
Pháo binh của Triều Tiên tham gia cuộc diễu binh vào tháng 10/2020. Ảnh: CNN

Ngoài ra, gần 30.000 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc cũng đối mặt với rủi ro. Sách trắng của Hàn Quốc cho biết các đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên có thể đe dọa bất kỳ căn cứ nào trong số đó, cùng với cơ sở hạ tầng và công nghiệp của Hàn Quốc, với sự phối hợp của lực lượng biệt kích, máy bay nhỏ, trực thăng và tàu thuyền.

Chưa hết, những con số áp đảo về nguồn nhân lực cũng có lợi cho Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân số của Bình Nhưỡng lên 1,28 triệu người so với 550.000 người của Seoul.

Các lực lượng mặt đất của Triều Tiên cũng có thể sở hữu tới 4.300 xe tăng, 2.600 xe bọc thép và 8.800 khẩu pháo, theo ước tính của Hàn Quốc.

Hải quân Triều Tiên được cho là sở hữu 430 tàu chiến và 70 tàu ngầm; không quân có 810 máy bay chiến đấu.

Chú thích ảnh
Các bệ phóng tên lửa di động trong cuộc diễu binh vào tháng 10/2020 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN

Khi nói đến vũ khí thông thường, vũ khí của Triều Tiên cũ hơn và kém tiên tiến hơn so với vũ khí hiện có của lực lượng Hàn Quốc và Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng hỏa lực của Triều Tiên vẫn có thể gây tổn thất cho Seoul vì thủ đô của Hàn Quốc chỉ nằm cách vĩ tuyến 38 chia cách bán đảo có 50km.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)