05:22 31/05/2015

Khó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện

Nhằm mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho người lao động khi nghỉ hưu, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó tập trung mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nhằm mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho người lao động khi nghỉ hưu, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó tập trung mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chưa rõ nên không muốn tham gia

Anh Bùi Văn Hoàng (quê Kim Bôi, Hòa Bình) làm hàng gia công nhựa tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) mỗi ngày được chủ trả 200.000 đồng tiền công và không đóng bất cứ khoản bảo hiểm nào. “Cũng có lần đại diện tổ dân phố vào làm việc với chủ xưởng và phổ biến cho chúng tôi tham gia BHXH, theo cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Nhưng thấy đóng BHXH sẽ bị giảm trừ số tiền công đáng kể, trong khi đó cũng không rõ nếu đóng tiền thì sau này sẽ được lĩnh mức lương hưu bao nhiêu, nên anh em chúng tôi chưa tham gia”, anh Bùi Văn Hoàng chia sẻ.

Giao dịch BHXH tại quận Cầu Giấy.


Còn chị Lê Thị Nhung (quê Hưng Yên), một lao động tự do cho biết, hiện lo ăn từng bữa thì khó có thể tham gia bảo hiểm tự nguyện được. “Muốn tham gia phải cho chúng tôi biết lợi ích sẽ được gì khi hết tuổi lao động. Báo chí gần đây đưa thông tin có giáo viên 19 năm tham gia BHXH bắt buộc và 1 năm tham gia BHXH tự nguyện, nhưng mức lĩnh chỉ hơn 300.000 đồng, không đủ tiền ăn sáng thì hỏi chúng tôi làm sao đủ niềm tin để tham gia BHXH tự nguyện?”

Theo bà Chu Phương Mai, giám đốc BHXH quận Cầu Giấy, để triển khai mở rộng đối tượng đóng, trong đó có bảo hiểm tự nguyện, BHXH Cầu Giấy đã làm việc với các phường và tập huấn cho tổ trưởng nắm danh sách đối tượng để tuyên truyền. Tuy nhiên, việc này còn gặp nhiều khó khăn vì mỗi năm quận có thêm hơn 1.000 đơn vị trên địa bàn, nhưng cũng có tới gần 500 đơn vị ngừng hoạt động. Nhiều đơn vị theo đăng ký lấy địa chỉ nhà dân để giao dịch và không biết trụ sở và cơ sở sản xuất nằm ở đâu để đến tuyên truyền.

Đề xuất phương án hỗ trợ

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dự báo năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người và số người tham gia BHXH sẽ là 30 triệu người. Với quỹ thời gian còn 7 năm, để đạt được mục tiêu này thì mỗi năm cần có thêm trên 2,6 triệu người tham gia BHXH, chủ yếu là đối tượng tự nguyện. Tuy nhiên, triển khai chính sách BHXH tự nguyện sau 8 năm thực hiện cho thấy số người tham gia còn thấp. Tính đến hết ngày 31/12/2014, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 196.254 người, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện như hạ mức sàn thu nhập là căn cứ đóng BHXH bằng mức chuẩn các hộ nghèo của khu vực nông thôn; không khống chế tuổi trần của người tham gia, linh hoạt trong phương thức đóng (đóng một lần cho nhiều năm và đóng một lần cho những năm còn thiếu cơ bản)...

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, việc thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện thời gian qua cho thấy, những chính sách tạo điều kiện là chưa đủ. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng thì sẽ khó thu hút người lao động tham gia. Khoản 1, điều 87, Luật BHXH có quy định căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ tiền cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. “Để có thể đạt được mục tiêu về mở rộng đối tượng, thì Chính phủ cần sớm triển khai chính sách hỗ trợ”, tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tân khẳng định.

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BHXH, trong đó đề xuất hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia tự nguyện; với 2 phương án: Phương án 1 về đối tượng, Nhà nước hỗ trợ tiền cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ 10 năm đầu; mức hỗ trợ của Nhà nước theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng tối thiểu, 5 năm đầu là 50%; 5 năm tiếp theo là 30%. Còn phương án 2, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động ở khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm tự nguyện, với toàn bộ thời gian tham gia; mức hỗ trợ hằng tháng là 30% mức đóng tối thiểu.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, người dân và sẽ trình Chính phủ trong tháng 7.

Bài và ảnh: Xuân Minh