12:14 20/12/2011

Khó khăn trong việc xử lý úng ngập ở thành phố Huế

Hiện ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhất là khu vực nội thành (nơi tập trung hệ thống di tích của Cố đô Huế) hễ cứ có mưa to là úng ngập. Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa, hệ thống thoát nước bề mặt của Huế đã không còn phù hợp.

Hiện ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhất là khu vực nội thành (nơi tập trung hệ thống di tích của Cố đô Huế) hễ cứ có mưa to là úng ngập. Nguyên nhân do quá trình đô thị hóa, hệ thống thoát nước bề mặt của Huế đã không còn phù hợp, và tốc độ đô thị hóa càng nhanh thì bản đồ vùng ngập úng ngày càng mở rộng. Việc đầu tư phát triển đô thị ở Huế cũng đồng nghĩa với nhiều ao hồ, vốn là nơi thoát nước tự nhiên trước đây bị lấp, nên việc chống ngập úng cho thành phố Huế ngày càng hết sức khó khăn.

Nước lũ tràn vào khu di tích nội thành thành phố Huế sáng ngày 8/11/2011. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN


Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, dưới thời Nguyễn, chính nhờ hệ thống thoát nước của Ngự Hà và các ao hồ trong thành nội Huế được thiết lập hợp lý và bảo quản nghiêm túc, cho nên đến năm 1945, trong sử sách không hề nói đến nạn úng ngập ở địa bàn này.

Trước hết, sông Ngự Hà ngoài chức năng vận tải bằng đường thủy, quan trọng nhất vẫn là giữ vai trò thoát nước cho địa bàn thành nội Huế, vì nó liên quan đến hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, tất thảy vật kiến trúc và cư dân quanh vùng. Chính dòng Ngự Hà kết hợp với khoảng hơn 30 ao hồ tự nhiên lớn nhỏ trong thành nội tạo ra mạng lưới "thủy quan" lưu thông với nhau chảy ra sông Hương, điều tiết nước một cách khéo léo và hợp lý nên làm giảm nạn úng ngập cho nội thành Huế.

Hiện, các ao hồ ở thành nội bị lấp gần hết, mạng lưới thủy đạo hầu như không còn. Mặt khác, hiện nay, việc tôn cao hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ chạy ngang qua địa bàn, vô tình trở thành những con đê ngăn nước lũ không kịp thoát khi có mưa to cũng là một trong những nguyên nhân gây úng ngập cho thành phố Huế.

Chỉ một đoạn giải phân cách cứng từ cầu An Cựu đến bến xe phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng lúc nào cũng ngăn nước, làm ngập úng cả cụm dân xã Thủy An phía trên đó do mưa to nước không thoát kịp, dù ở phía dưới (chỉ cách nhau qua một con đường) thì luôn khô ráo.

Những năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương đóng cửa rừng, đẩy mạnh trồng rừng, xây dựng những công trình lớn như hồ Tả Trạch, các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền để điều hòa lưu lượng nước cho sông Hương. Đây là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên việc chỉnh trị sông Hương ở trên mới chỉ ở thượng nguồn, vấn đề hạ lưu sông Hương chưa được tính đến, bởi các công trình ngăn mặn như Đập Đá, cửa Khâu, đập La Ỷ đang gây cản trở cho dòng chảy sông Hương... Đây cũng là vấn đề cần phải được giải quyết tiếp theo, để giảm lũ cho thành phố Huế.

Ở thời điểm này, theo các nhà chuyên môn, việc ngăn mặn ở Huế chỉ cần đập Thảo Long là đủ; còn lại các công trình khác có thể phá bỏ để khơi thông dòng chảy cho sông Hương mỗi mùa mưa lũ đến. Chỉ cần đo cao trình lũ lụt ở Huế so với cao trình ở phá Tam Giang và các huyện lân cận ở những cơn lụt lớn vừa qua sẽ thấy tính cấp bách của việc tháo gỡ các công trình ngăn mặn này.

Từ năm 2011, thành phố Huế thực hiện dự án cải thiện môi trường nước, với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ yên Nhật, tương đương khoảng 3.170 tỷ đồng Việt Nam; trong đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 20,88 tỷ yên. Giai đoạn 1 của dự án kéo dài trong 8 năm, kết thúc vào năm 2018. Ở giai đoạn này, dự án tập trung cải tạo, xây mới gần 299 km hệ thống cống thoát nước hỗn hợp (thu gom nước mưa và nước thải) và 8 trạm bơm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án còn dài, nên việc chống ngập úng cho thành phố Huế vẫn đang trong tình trạng hết sức khó khăn...

Quốc Việt