12:17 08/12/2019

Khó khăn trong giám định, xử lý dược, mỹ phẩm giả

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng chức năng đang gặp khó trong việc giám định một số loại mỹ phẩm, dược phẩm giả do không có mẫu thật, hàng không lưu hành ở Việt Nam; không có đại diện sở hữu nên không thể xử lý theo đúng tội danh mà phải chuyển sang xử lý hướng nhẹ là xử phạt hành chính, không mang tính răn đe.

Chú thích ảnh
Kiểm tra, kiểm soát thị trường dược, mỹ phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TH.

“Việc kiểm nghiệm mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm tại các viện kiểm nghiệm đều thuộc các cơ quan chủ quản là người cấp phép, không phải là cơ quan kiểm nghiệm độc lập nên khó đảm bảo tính khách quan. Trong khi đó, năng lực kỹ thuật của các trung tâm kiểm nghiệm hiện không đáp ứng kịp yêu cầu của công tác hậu kiểm”, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia nói.

Việc quy định cho phép cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện công tác hậu kiểm đang là kẽ hở khiến cho các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhỏ lẻ ồ ạt ra đời không kiểm soát được. 

Bên cạnh đó theo lực lượng chức năng 389, tình trạng quảng cáo dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài đang "bùng nổ" khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể quảng cáo, hàng hóa không có cơ sở để xử lý vi phạm. Đặc biệt, một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, xử lý.

Sự bùng nổ của dịch vụ Internet, những lời quảng cáo hoa mỹ trên mạng đang khiến người tiêu dùng dễ mắc lừa trong khi những mặt hàng quảng cáo không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin, công dụng quảng cáo không chính xác.

Theo BCĐ 389 Quốc gia, các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng hiện còn chưa quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, có nơi buông lỏng quản lý; hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn chưa đồng bộ, tính khả thi không cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh; còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, dược liệu.

Thực tế trên đang ở mức báo động, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh. Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài. 

Sau 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả thuộc nhóm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, ngành công an đã bắt giữ 722 vụ, xử lý hành chính 602 vụ, với số tiền phạt, bán tang vật tịch thu là 7,17 tỷ đồng; ngành y tế phát hiện 1.128 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 763 cơ sở, với số tiền phạt gần 9 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an là 16 vụ việc...

 

Minh Phương/Báo Tin tức