10:13 16/10/2014

Khó khăn ở một vùng biên

Một bộ phận người Việt hồi hương từ Campuchia về các xã nằm giáp biên giới đã tạo ra áp lực rất lớn cho công tác an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân vì sao tình hình phòng chống buôn lậu ở các tỉnh biên giới vùng ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn.

Một bộ phận người Việt hồi hương từ Campuchia về các xã nằm giáp biên giới đã tạo ra áp lực rất lớn cho công tác an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân vì sao tình hình phòng chống buôn lậu ở các tỉnh biên giới vùng ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tay buôn lậu

Theo Thượng Tá Nguyễn Mạnh Tri, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống, tại hai xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), dù công tác phòng chống thời gian gần đây đã có những chuyển biến, nhưng tình trạng buôn lậu vẫn còn là vấn nạn, chưa thể giải quyết triệt để.

Chưa có giải pháp căn cơ cho vấn nạn thuốc lá lậu.


Theo đó, trên địa bàn hai xã thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng có khoảng 70% dân số là người Việt hồi hương từ Campuchia, mỗi xã có khoảng 6.000 người. Do hồi hương nên cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, không có đất sản xuất, không trình độ, việc làm không ổn định. Chính vì thế, những người dân này trở thành đối tượng chủ yếu tiếp tay cho hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn biến khá phức tạp trong thời gian dài. “Dù các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa thể giải quyết căn cơ được. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng chỉ thành công một phần khi kéo giảm mức độ hoạt động buôn lậu, các đối tượng buôn lậu không dám chống người thi hành công vụ và tổ chức cướp giật lại hàng. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu lại chuyển qua hoạt động nhỏ lẻ với thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn”- Thượng tá Tri cho biết thêm.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, bằng nhiều biện pháp, Đồn Biên phòng Cầu Muống đã phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá được nhiều vụ buôn lậu thuốc lá lớn khiến cho các đối tượng buôn lậu phải “chùn tay”. Nếu như trong năm 2013, Đồn Biên phòng Cầu Muống bắt được 40 vụ với tang vật khoảng 18.000 gói thuốc lá ngoại, thì trong 6 tháng đầu năm 2014 đã bắt 71 vụ với hơn 49.000 gói thuốc lá ngoại và 1.750 kg đường cát Thái Lan nhập lậu.
Hiện tại các đầu nậu buôn lậu đã thuê mướn những người dân nghèo của hai xã nói trên để vận chuyển thuốc lá với số lượng vận chuyển mỗi lần từ 5 - 10 cây thuốc và đặc biệt nổi lên hiện tượng sử dụng trẻ em để đeo vác lậu. Với tình trạng trẻ em vận chuyển hàng, chúng tôi chỉ đạo vẫn phải bắt, sau đó phối hợp với nhà trường mời phụ huynh lên giáo dục”, Thượng tá Tri cho biết.

Tăng áp lực cho công tác an sinh xã hội

Theo các địa phương, mặc dù công tác tuyên truyền vận động nhân dân được cơ quan chức năng triển khai thường xuyên nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Những người dân nghèo tham gia vác thuốc lá lậu đều thấy việc làm này là sai trái nhưng vẫn tiếp tục tái phạm vì áp lực sinh kế. “Nhiều đối tượng gặp tôi tâm sự vì không có đất sản xuất, không có trình độ nên dù bản thân muốn bỏ hành vi buôn lậu nhưng không biết làm gì để nuôi nổi gia đình. Có đối tượng khi bị bắt và khởi tố thì ở nhà vợ lại tiếp tục đi vác thuốc lá lậu và sau khi được tha về lại địa phương vẫn tiếp tục tái phạm”, Thượng tá Tri nói.

Để tạo công ăn việc làm cho những hộ dân hồi hương, từ đầu năm 2014, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng ngân hàng cho vay 30 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi để tạo lập sinh kế, vận động nhân dân từ bỏ hành vi buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu. Tuy nhiên giải pháp này triển khai không hiệu quả. “Nhiều đối tượng buôn lậu cho rằng số tiền 30 triệu không đủ để trả nợ chứ đừng nói gì đến việc dùng số tiền này để thay đổi sinh kế khác. Bởi khi tham gia buôn lậu, những tay đầu nậu “bắt thóp” bằng cách cho gối đầu hàng chục triệu đồng. Mặt khác, ngân hàng cũng ngại cho vay vì không có gì để thế chấp. Còn chính quyền địa phương cũng không dám đứng ra bảo lãnh”, Thượng Tá Tri cho biết.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thời gian qua, các tỉnh dọc biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An đã tiếp nhận gần 4.000 hộ với khoảng 12.300 nhân khẩu là Việt kiều từ Campuchia hồi hương có nhu cầu an cư lâu dài tại quê hương. Số người Việt này đã sinh sống nhiều năm tại Campuchia. Phần lớn họ sống lưu động, nhà cửa tạm bợ, nên không giấy tờ tùy thân, đông con và hầu hết trẻ con không được đi học. Điều này đã gây thêm áp lực cho các tỉnh biên giới về công tác an sinh xã hội. Do vậy, vấn đề tạo lập sinh kế cho người dân vùng biên giới là một vấn đề then chốt cho việc giải quyết tình trạng buôn lậu như hiện nay. Điều này cần triển khai nhanh các dự án, chương trình phát triển kinh tế tại khu vực biên giới để giúp các hộ dân nghèo dễ dàng tiếp cận với các chính sách giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế từ những chính sách xã hội khác.

“Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho nhân dân như nghề đan ghế nhựa, sửa chữa máy phun xịt, may công nghiệp... Tuy nhiên khi đào tạo xong thì địa phương không có nguồn để tạo việc làm cho họ. Lý do là địa bàn xã không có doanh nghiệp nào đầu tư. Chúng tôi kiến nghị đối với cấp trên có giải pháp thu hút được doanh nghiệp đầu tư về địa bàn xã để giải quyết được việc làm cho nhân dân, đặc biệt là người lao động nghèo không có đất sản xuất”, ông Trần Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu A, kiến nghị.


Bài và ảnh: Anh Đức