10:22 11/10/2011

Khó cũng phải nhanh

Những ngày này đang là thời điểm các đội tuyển tất bật "chạy nước rút", với mục tiêu giành vàng tại SEA Games 26. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tất cả vẫn đang hướng tới một kỳ đại hội thành công trên đất khách.

Những ngày này đang là thời điểm các đội tuyển tất bật "chạy nước rút", với mục tiêu giành vàng tại SEA Games 26. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tất cả vẫn đang hướng tới một kỳ đại hội thành công trên đất khách.

Tháng “cao điểm”

Khoảng thời gian 1-2 tháng trước SEA Games là giai đoạn quyết định đến thành bại trong quá trình tập luyện cả năm trời, nên hầu như đội tuyển nào cũng có sự tập trung cao độ. Để nâng cao thành tích, những chuyến tập huấn, thi đấu chính là lựa chọn hàng đầu lúc này. Ngành thể thao đã tạo điều kiện tối đa để các đội tuyển bước vào giai đoạn nước rút một cách hiệu quả. Hầu như các đội tuyển đều đã đi hoặc có kế hoạch đi tập huấn, thi đấu trong tháng “cao điểm” này. Ngay sau khi kết thúc giải bắn súng quốc gia, đội tuyển bắn súng sẽ sang Hàn Quốc tập huấn. Đội tuyển bóng bàn, nhảy cầu, bơi, bóng chuyền, taekwondo... tập huấn tại Trung Quốc; bắn cung, bi sắt, cầu mây... tập huấn tại Thái Lan; pencak silat tại Inđônêxia.... Trong thời gian tới, các ĐT còn lại như judo, vật... cũng lên đường đi tập huấn cho đến sát ngày SEA Games khởi tranh mới về nước.

Bắn súng tiếp tục là mũi nhọn của thể thao Việt Nam.


Đó là chưa kể trong thời gian này, rất nhiều đội tuyển bận rộn với kế hoạch tham dự các giải quốc tế của mình. Đội tuyển TDDC đang tham dự giải VĐTG tại Nhật Bản (1-17/10), ĐT đấu kiếm dự giải VĐTG tại Italia (6-14/10), ĐT canoeing dự giải VĐCA tại Iran (9-17/10), ĐT wushu tham dự giải VĐTG tại Thổ Nhĩ Kỳ (7-15/10)... Trong khi đó, tại Trung tâm Nhổn, các đội tuyển hầu như đang bị “cấm trại”. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu các VĐV bị ảnh hưởng xấu từ bên ngoài thời điểm này, tất cả có thể sẽ đổ “xuống sông, xuống biển”. Sau một vài vụ lùm xùm liên quan đến kiện cáo của VĐV, HLV thời gian qua, Bộ VH, TT&DL đã yêu cầu các ĐT cần tránh gây mất tập trung cho các VĐV ở thời điểm quan trọng này. Hiện tại, dù mức ăn đặc biệt vẫn chưa được áp dụng, nhưng với mức cũ là 200.000 đồng/ngày cũng đủ đáp ứng cả về lượng và chất cho các VĐV. Thay đổi lớn nhất đáng ghi nhận ở Trung tâm Nhổn trong năm nay chính là Ban giám đốc quyết định công khai tài chính với các đội tuyển. Cách làm này vừa cho thấy sự minh bạch, lại tạo kích thích cho các VĐV tập luyện. Ngoài việc tăng cường dụng cụ tập luyện, phương pháp huấn luyện... Những nhu cầu khác về giải trí cũng được trung tâm đáp ứng như một số trò chơi điện tử, bi a, bóng bàn…. Mạng Internet, truyền hình cáp cũng đã được kết nối đến hầu hết các khu nhà ở của HLV, VĐV.

Điểm danh “mỏ vàng”

“Mỏ vàng” đầu tiên, không thể không nhắc tới các môn võ. Trong số các môn này, đa số đoàn TTVN đều phấn đấu đứng đầu. Trong đó phải kể đến karate, taekwondo, pencak silat, judo, wushu. Trong số các môn võ, đáng chú ý, môn lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu là vovinam. Đây sẽ là môn võ thuật mà đoàn TTVN hy vọng giành thành tích tốt nhất. Nếu không có gì thay đổi, gần như chắc chắn vovinam sẽ xếp nhất toàn đoàn với khoảng 7-8HCV. Dù bị cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh nhưng nếu thi đấu với đúng sức lực của mình, chắc chắn những môn võ sẽ mang về “cơn mưa vàng” tại Đại hội lần này. Sau các môn võ, kế đến là vật, nội dung mà Việt Nam vẫn vô đối ở sân chơi khu vực. Một “mỏ vàng” khác cũng không thể không nhắc tới là lặn.Trong khi bơi khả năng chỉ giành được 2 HCV thì lặn gần như phải gấp 3-4 lần số đó. Cuối cùng, không thể không nhắc tới điền kinh và bắn súng. Hai nội dung mũi nhọn của TTVN nếu thi đấu đúng sức, sẽ đóng góp không dưới 15 HCV. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt các môn như: Billiards, cờ vua, đua thuyền, đấu kiếm, cử tạ, bi sắt, quyền Anh, xe đạp, TDDC, Aerobic, cầu mây, bắn cung... cũng đều chắc chắn có HCV, thậm chí là vài chiếc.

Nhìn chung, mục tiêu giành 70 HCV để lọt vào tốp đầu không phải là một nhiệm vụ quá khó. Khó khăn lớn nhất hiện tại chính là quá trình chuẩn bị của TTVN chưa được như mong muốn, khi nhiều đội tuyển phải cắt giảm VĐV, ngày tập huấn. Một lo lắng khác không thể không nhắc tới chính là công tác trọng tài trên đất bạn. Ở những môn chấm điểm cảm tính, trọng tài thực sự là “ác mộng” với các VĐV Việt Nam.

Dù có nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống từ SEA Games 22 tới nay, TTVN chưa lần nào bật khỏi tốp 3 đoàn dẫn đầu, chắc chắn sẽ là điều khích lệ các VĐV thi đấu hết khả năng của mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Bài và ảnh: ANH CHi