02:22 19/02/2013

Khó cho quản lý "hôn nhân xuyên biên giới"

Quảng Trị có đường biên giới giáp Lào với tổng chiều dài 206 km, đi qua 18 xã thuộc 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông với hơn 12.300 hộ, 58.000 nhân khẩu.

Quảng Trị có đường biên giới giáp Lào với tổng chiều dài 206 km, đi qua 18 xã thuộc 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông với hơn 12.300 hộ, 58.000 nhân khẩu. Ở khu vực này, dân tộc Pakô, Vân Kiều chiếm hơn 95% dân số, trình độ dân trí còn hạn chế. Do vậy, hôn nhân xuyên biên giới có xu hướng ngày càng gia tăng, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

 

Khu vực biên giới của Quảng Trị giáp biên giới với hai tỉnh Savanakhet và Salavan của Lào có địa hình đồi núi hiểm trở, khó khăn trong giao thông cũng như kiểm soát đường biên. Bên cạnh đó, do sống chung cùng đường biên giới với nhau nên quan hệ giao lưu, làm ăn buôn bán sinh sống giữa công dân vùng biên của hai nước diễn ra thường xuyên. Vì vậy, tình trạng hôn nhân xuyên biên giới không đăng ký với chính quyền còn khá phổ biến. Các trường hợp quan hệ này đều có con và tài sản chung với nhau nhưng không ràng buộc nhau bởi bất cứ thủ tục pháp lý nào. Nhiều trường hợp có người sang Việt Nam lập gia đình sinh con làm ăn đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhập quốc tịch hay đăng ký kết hôn. Hiện nay, hầu hết 18 xã ven biên giới đều xảy ra tình trạng công dân nam nữ hai nước Việt - Lào có quan hệ hôn nhân nhưng không có đăng ký kết hôn. Theo thống kê của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, tính đến năm 2011, thống kê 17 xã, 1 thị trấn sát biên giới có 205 hộ với 1.052 khẩu người Lào nhập cư, hơn 149 trường hợp người Lào kết hôn với người Việt Nam nhưng không đăng ký kết hôn.

 

Theo khảo sát của Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị, trên 60% đối tượng "hôn nhân xuyên biên giới" là những người không biết chữ. Đồng bào dân tộc Pakô, Vân Kiều từ xa xưa lấy nhau đều không đăng ký kết hôn, chủ yếu sống theo phong tục chỉ cần có sự đồng ý của già làng trưởng bản mà không cần tiến hành đăng ký kết hôn nên các cặp vợ chồng chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc đăng ký. Bên cạnh đó, đa phần họ là người dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức còn hạn chế, mà thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài còn phức tạp cần nhiều giấy tờ chứng nhận nên dẫn đến tâm lý “ngại” đăng ký.


Ông Hồ Hồng (61 tuổi), thôn Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Ngày trước, mặc dù chúng tôi đã có với nhau 7 đứa con, vợ chồng tôi cũng muốn đăng kí với chính quyền nhưng do khó khăn về giấy tờ nên không thực hiện được. Cán bộ yêu cầu vợ tôi phải nộp tờ khai xác nhận chưa quá 6 tháng là chưa có chồng, nhưng bên ấy lại không có tờ khai đăng kí kết hôn nên vợ chồng tôi không biết làm thế nào. Đến khi vợ mất, tôi vẫn chưa làm thủ tục đăng kí kết hôn”.


Chị Hồ Thị Dên, xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Ngày trước, mình gặp anh Hồ Văn Xoa dù là người Lào nhưng thấy ưng cái bụng là lấy. Bọn mình đã được trưởng bản, già làng đồng ý, nên tổ chức đám cưới đúng phong tục. Sau này khi có ba mặt con với nhau rồi, chê mình già xấu, cuộc sống khó khăn, anh ấy bỏ đi lấy một cô vợ người Lào”.


Ông Võ Công Hoan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ tháng 8/2012 đến nay, Hội đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức về tận thôn, bản giải quyết đăng ký kết hôn cho hơn 220 trường hợp. Tuy nhiên, hiện nay còn hơn 70 cặp vợ chồng chưa thể đăng ký kết hôn do khó khăn trong thủ tục, giấy tờ. Trong thời gian tới, Hội sẽ kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Tư pháp nhằm cải cách một số thủ tục hành chính có liên quan đến yếu tố nước ngoài khu vực biên giới đất liền. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn cho các cặp vợ chồng trên. Hội tiếp tục phối hợp với phòng tư pháp 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa tuyên truyền tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn, vận động người dân tham gia thực hiện. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn đăng ký khai sinh cho con các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn để các em có thể đến trường đi học…

 

Thanh Thủy