07:16 26/07/2025

Khi trực thăng Apache trở thành 'người gác đền' bầu trời

Bảo vệ không phận Israel trong cuộc chiến Israel-Iran vừa qua là một trận chiến nhiều lớp, phối hợp giữa các đơn vị phòng không mặt đất và trên không. Mỗi đơn vị lần lượt tiếp cận từng mục tiêu trong số 550 tên lửa đạn đạo và 1.000 thiết bị bay không người lái (UAV) mà Tehran đã phóng đáp trả từ ngày 13 đến 24/6.

Chú thích ảnh
Trực thăng Apache. Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN

Trong cuộc chiến trên không đó, một sự kiện hiếm hoi đã xảy ra: một trực thăng Apache cùa quân đội Israel đã bắn hạ 6 chiếc UAV chỉ trong vài phút. Đặc biệt, có khoảnh khắc “thưởng điểm” như trong trò chơi điện tử – khi 2 UAV bị bắn hạ cùng lúc.

Hai phi công dự bị tham gia sự kiện, Thiếu tá G. và Thiếu tá S., đã chia sẻ với báo Jerusalem Post về trải nghiệm đặc biệt này.

Một cách khiêm tốn, họ nhấn mạnh rằng trực thăng không phải là tuyến phòng thủ đầu tiên – tuyến đầu là Vòm Sắt, tiêm kích, David’s Sling hay thậm chí là hệ thống laser Iron Beam. Nhưng một khi UAV vượt qua những lớp phòng thủ đó, thì trách nhiệm sẽ rơi vào trực thăng.

S. nói: “Lúc đó, tình huống rất phức tạp. Chúng tôi chỉ có vài giây để bắn hạ mục tiêu. Nếu không kịp, UAV sẽ tấn công Israel”.

Về phần mình, G. kể lại rằng trong những phút bắn rơi liên tiếp nhiều thiết bị bay không người lái, anh hoàn toàn tập trung cao độ.G nhấn mạnh: “Trực thăng Apache là tuyến phòng thủ cuối cùng. Chúng tôi giống như những thủ môn trong bóng đá”.

S. nhấn mạnh thêm: “Phải hiểu rõ tầm quan trọng, hành động tập trung cao độ và đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Chệch nửa mét là coi như thất bại. Chúng tôi phải bắn trúng ngay từ phát đầu tiên”.

Cuộc chiến tranh với Iran mang đến một loại nhiệm vụ hoàn toàn khác với những gì S. và G. từng quen thuộc – hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh tại Gaza, hay hỗ trợ mặt đất ở Liban và Syria. S cho biết: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn trong hỗ trợ mặt đất, đặc biệt là ở Gaza".

Dù quen thuộc hơn với các nhiệm vụ trên mặt đất, nhưng chúng cũng không ít rủi ro. Anh nói “Nếu bắn không chính xác, có thể gây thương vong cho chính binh lính của Israel".

Bắn hạ UAV của Iran giữa không trung là một thử thách rất khác – yêu cầu ra quyết định và hành động trong vài giây.

Trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023, từng có tranh cãi trong nội bộ quân đội Israel về vai trò lâu dài của trực thăng tấn công, một số ý kiến cho rằng có thể dần loại bỏ mà không cần thay thế. Tuy nhiên, trong ngày 7/10 và cả sau đó, trực thăng là lực lượng không quân duy nhất có thể hỗ trợ bộ binh hiệu quả, khi các tiêm kích bay quá cao và quá nhanh để phân biệt giữa dân thường và kẻ tấn công. Chúng cũng chứng minh giá trị của mình trong các nhiệm vụ đánh chặn thiết bị bay không người lái.

Khả năng lơ lửng, bắn chính xác ở cự ly gần và linh hoạt điều khiển bởi con người giúp trực thăng có lợi thế so với các tiêm kích hiện đại và cả các thiết bị bay không người lái phòng thủ tự động.

Hiện tại, Israel đang cân nhắc mua một phi đội trực thăng mới từ Mỹ, với chi phí khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc. Các chi tiết cụ thể vẫn đang được đàm phán.

Thanh Bình (PV TTXVN tại Israel)