01:09 29/01/2014

Khi sóng di động về A Pa Chải!

Từ TP Điện Biên Phủ lên trung tâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và tới Đồn Biên phòng A Pa Chải, đoàn công tác Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã phải vượt qua gần 300 km, mất tới 9 giờ đồng hồ đi bằng ô tô mới tới được Đồn Biên phòng A Pa Chải...

Từ TP Điện Biên Phủ lên trung tâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và tới Đồn Biên phòng A Pa Chải, đoàn công tác Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã phải vượt qua gần 300 km, mất tới 9 giờ đồng hồ đi bằng ô tô mới tới được Đồn Biên phòng A Pa Chải ở xã Sín Thầu. Đây là một trong những đồn biên phòng xa nhất của tỉnh Điện Biên.


Một thời “đói” thông tin


Đường đến đồn A Pa Chải dầy đặc những khúc cua ngoằn ngoèo đã khiến nhóm phóng viên miền xuôi say nghiêng ngả. Thế nhưng, không ít lần chúng tôi choàng tỉnh, ngỡ ngàng bởi hai bên đường mùa này rực sắc vàng của hoa dã quỳ. Không có hương nhưng bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt loài hoa cánh mỏng này vẫn trổ nụ, đơm hoa, mạnh mẽ như chính con người nơi đây. Xuất phát từ sáng nhưng mãi xế chiều, chúng tôi mới tới được Đồn Biên phòng A Pa Chải, nơi canh giữ cột mốc số 0 của đất nước, nơi mà mọi người thường hay ví là nơi một con gà gáy, ba nước (Việt Nam, Lào, Trung Quốc) cùng nghe.

 

Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam và đại diện Viettel chụp ảnh lưu niệm tại Đồn Biên phòng A Pa Chải.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, cho biết: A Pa Chải là một trong những điểm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhất của cả nước nên đến tận tháng 10/2009 vẫn chưa có sóng điện thoại di động. Khi cần kết nối thông tin liên lạc với gia đình, các chiến sĩ phải xuống xã để dùng nhờ trạm vệ tinh VSAT. Thế nhưng, nhiều khi lặn lội tới 10 km xuống trung tâm xã Sín Thầu, mà các chiến sỹ phải trở về “tay trắng” vì không thể gọi được do nhiễu sóng điện thoại; hoặc có khi xuống đến nơi lại ngại không dám chia sẻ chuyện riêng tư khi xung quanh có rất nhiều người đứng chờ. Không có sóng điện thoại, các chiến sĩ biên phòng càng vất vả trong việc báo cáo tình hình hoạt động hàng ngày.


“Suốt một thời gian dài, các chiến sĩ biên phòng và người dân ở khu vực A Pa Chải phải sống trong cảnh “đói” thông tin. Người dân gặp rất nhiều khó khăn khi nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phương thức làm ăn kinh tế mới để xóa đói giảm nghèo; một số người vẫn tái trồng cây thuốc phiện. Để khắc phục dần tình trạng này, năm 1997, đồn biên phòng phải cử tới 20 chiến sĩ, dân quân tìm mua và khiêng về một chảo đường kính khoảng 2 m cùng đầu thu, cột trụ bắt sóng tivi để chiếu cho người dân cùng xem”- thượng tá, chính trị viên Lê Văn Thinh cho biết.

Đã phủ sóng Viettel toàn tỉnh Điện Biên

Ông Lưu Thắng Lợi, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Chi nhánh Viettel Điện Biên cho biết: Toàn tỉnh Điện Biên có tổng diện tích 9.500 km2, trong đó, có xã có diện tích bằng cả một huyện của địa phương khác, có huyện nhỏ cũng rộng bằng cả một tỉnh ở đồng bằng. Trên địa hình phức tạp, việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông tại Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên tới nay, Viettel đã nỗ lực đảm bảo phủ sóng điện thoại tới 112/112 xã tại tỉnh này.

Riêng tại huyện Mường Nhé, Viettel cũng đã đầu tư khá nhiều cho việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông để đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ nhu cầu dân sinh ở khu vực biên giới. Dự kiến năm 2014, Viettel sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới cáp quang để mở rộng vùng phủ sóng di động nói chung và 3G nói riêng tại Điện Biên.


Thượng tá Thinh cho biết thêm: Khi chưa có sóng điện thoại, mọi người thường viết thư để liên lạc với nhau. Nhưng những cánh thư này phải mất tới 1- 2 tháng mới tới được tay người yêu hay vợ, con. Và phải tới năm 2010, đồn A Pa Chải mới được phủ sóng điện thoại, Internet 2G của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, VinaPhone. Niềm vui thật khó diễn tả khi có sóng di động về. “Đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội đã được cải thiện khi họ có thể được “giao ban thông tin” với gia đình, người thân và bạn bè. Đối với công việc, sóng di động cũng phát huy hiệu quả khi những chiến sĩ đi tuần tra dùng kết hợp cả bộ đàm và điện thoại để báo cáo hoạt động với cấp trên”, trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải kể.


Còn thượng tá Lê Văn Thinh cho hay: Nhờ có sóng di động, công tác chỉ đạo đã được nhanh hơn, kịp thời và chính xác hơn, đặc biệt là khi cần phối hợp với nhân dân và các nước láng giềng về phòng chống tội phạm; tham mưu cho địa phương xóa đói giảm nghèo; vận động học sinh không bỏ học; khai thác thông tin hữu ích trên mạng.


Chia sẻ với phóng viên về cơ duyên đến với mảnh đất A Pa Chải tới 3 lần, thượng tá Lê Văn Thinh tâm sự: “Đây là nhiệm vụ của Nhà nước giao phó và cũng là tình cảm của cá nhân tôi đã hiểu và gần gũi đồng bào dân tộc của huyện Mường Tè trước đây và là Mường Nhé ngày nay từng ấy năm qua. Đây là trọng trách mà tôi sẵn sàng gánh vác để nắm tình hình bảo vệ biên giới; chia sẻ khó khăn, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc đối với cán bộ chiến sỹ để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Điểm bán hàng lưu động của chi nhánh Viettel Điện Biên tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.


Tuy nhiên, đại diện Đồn Biên phòng A Pa Chải cũng bày tỏ nguyện vọng: Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa về giao thông; có thêm cơ sở khám chữa bệnh; tạo thêm việc làm và chính sách phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.


Ngóng Internet


Một số chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải cho hay: Từ khi có sóng di động, việc liên lạc đã dễ dàng hơn rất nhiều nhưng họ vẫn mong có mạng Internet để có thể cập nhật tin tức hàng ngày vì báo lên đồn phải chậm tới 2 - 3 ngày. Tại điểm cực Tây của Tổ quốc, các chiến sĩ biên phòng A Pa Chải và người dân quanh đây vẫn chưa thể dùng được công nghệ 3G do địa hình hiểm trở, khó thiết lập hạ tầng viễn thông. Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho biết: A Pa Chải đến giờ vẫn chưa được hòa lưới điện quốc gia mà phải chạy máy nổ thường xuyên tới 18 giờ/ngày để cung cấp ánh sáng cho đơn vị. Mong muốn của bà con và chiến sĩ là sớm có điện lưới, 3G và Internet. “Rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm thêm tới việc đầu tư hạ tầng và dịch vụ viễn thông để các chiến sĩ và người dân đỡ khổ, đỡ vất vả”, trung tá Nguyễn Đức Thắng kiến nghị.


Được biết, Viettel đang trở thành nhà mạng đầu tiên cử người đi khảo sát và chuẩn bị vị trí lắp đặt cột, kéo cáp để thiết lập mạng 3G. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của Viettel, những người lính quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng A Pa Chải và người dân xung quanh sẽ sớm thỏa ước mong sử dụng được dịch vụ 3G chất lượng tốt để cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống.

Bài và ảnh:Minh Phương