03:17 08/03/2021

Khi phụ nữ chung sức khoác 'tấm áo mới' cho bộ mặt nông thôn

Những con đường xanh mướt, cảnh quan làng quê sạch đẹp, đời sống tinh thần được nâng lên... tại các vùng nông thôn thời gian gần đây có sự đóng góp công sức không nhỏ của các cấp Hội Phụ nữ trong xây dựng các tiêu chí của nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Tuyến đường bích hoạ kiểu mẫu ở thôn Phú Thuỵ (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội).

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Những ngày này đến xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bộ mặt làng quê đã thực sự thay đổi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Trong đó không thể không kể đến sự chung tay góp sức của Hội Phụ nữ làm đẹp thêm, văn minh thêm bộ mặt nông thôn.

Chúng tôi khá ấn tượng với Tuyến đường bích hoạ kiểu mẫu ở thôn Phú Thuỵ (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) được trang trí bằng tranh bích hoạ hai bên đường không chỉ làm đẹp cho cảnh quan làng quê mà còn làm đẹp cho những ngôi nhà hai bên đường. Những bức bích hoạ được thiết kế, vẽ một cách tỉ mỉ, kỳ công, sắc màu độc đáo đã tái hiện khung cảnh nét đẹp văn hoá làng quê, truyền thống hiếu học của quê hương danh nhân Cao Bá Quát, những địa danh nổi tiếng của Hà Nội xưa và nay.

Đưa chúng tôi đi tham quan, bà Hoàng Thị Thuý Hằng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phú Thị cho biết: “Đây là thành quả nỗ lực của Hội Phụ nữ xã trong năm 2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội. Mỗi bức tranh trên tuyến đường là một thông điệp tuyên truyền bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp , khơi dậy đời sống văn hoá mới, nâng cao tinh thần cho người dân khi được người dân hết sức ủng hộ. Qua tuyến đường kiểu mẫu này chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng  mô hình trên địa bàn cùng với các hoạt động để góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Trước đây, nhiều tuyến đường của xã Phú Thị thường xuyên là nơi đổ phế thải nông nghiệp bừa bãi, chất thải, vật liệu xây dựng… gây mất vệ sinh môi trường và cảnh quan thôn xóm. Từ thực tế đó, Hội Phụ nữ đã đứng lên vận động cán bộ, hội viên và người dân tập trung tổng vệ sinh thu gom rác thải hai bên lề đường  phụ trách, kêu gọi xây dựng các tuyến đường xanh- sạch- đẹp; trồng hoa, đồng bộ mõ cờ hai bên đường… đã làm cho các tuyến đường được phong quang, sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chú thích ảnh
Những cách làm hay, sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Cùng với tích cực xây dựng cảnh quan nông thôn, những năm gần đây Hội Phụ nữ xã cũng tham gia nâng cao đời sống, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế bền vững xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với các mô hình hiệu quả.

Theo bà Hoàng Thị Thuý Hằng, hiện Hội Phụ nữ xã Phú Thị đang quản lý 8,1 tỷ đồng cho 192 hộ vay. Năm 2020, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân 3,1 tỷ đồng cho trên 50 hộ vay phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ chị em vay vốn khởi nghiệp… Những hoạt động này giúp đỡ các hộ nghèo hiệu quả khi năm qua, xã đã có 4/4 hộ thoát khó khăn (vượt 200% kế hoạch), 5 hộ thoát cận nghèo… Đồng thời Hội Phụ nữ cũng đã giới thiệu việc làm được cho các lao động nữ, mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho các hội viện, thành lập được 1 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ quả có múi tạo việc làm cho chị em.

Là một hội viên có mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả, chị Nguyễn Thị Loan (thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Vừa qua nhờ thực hiện mô hình chăn nuôi xa khu dân cư, gia đình tôi đã mở rộng được sản xuất với số lượng bò sữa đã tăng lên 40 con, mở rộng chuồng trại. Vốn một phần của gia đình và được Hội Phụ nữ xã, huyện quan tâm giúp đỡ cho vay vốn phát triển kinh tế, các nguồn vốn vay với số tiền gần 300 triệu đồng. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện, chúng tôi đã chủ động hơn, có vốn để quay vòng, mô hình đã bắt đầu phát triển được, sản lượng sữa thu được hàng tháng khoảng 10.000 tấn, kinh tế gia đình đã ổn định, vững chắc hơn”.

Hay như "điểm sángtại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) Hội Phụ nữ đã có đóng góp rất lớn khi xã Liên Trung là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện được chọn làm xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, xã đã thực hiện tốt một trong những tiêu chí khó của nông thôn mới đó là phải đạt tỷ lệ từ 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) . Nhiệm vụ này được chính quyền giao cho Hội Phụ nữ thực hiện. Hội đã có cách làm hiệu quả khi đứng ra nhận làm đại lý, giúp chị em làm các thủ tục, viết tờ khai, nhận tiền và chuyển tiền sang Bảo hiểm xã hội huyện ngay trong ngày. Bệnh cạnh đó, Hội còn hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT bằng cách xã hội hóa các doanh nghiệp, hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền vận động người dân mua hơn 1.570 thẻ BHYT và đạt tỷ lệ hơn 95% đảm bảo đạt chuẩn theo chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao .

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đánh giá: Trong những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, Hội Phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như: Dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường, xây dựng các công trình giao thông nông thôn, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập; tích cực hỗ trợ giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hôi; tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, các mô hình tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn…

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Chính phủ giao chủ trì tham gia xây dựng nông thôn mới bằng Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gồm: Không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật - tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng, sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp, góp phần thực hiện 11/19 tiêu chí của nông thôn mới.

Trong giai đoạn vừa qua, các cấp Hội phụ nữ trên cả nước cũng đã thực hiện hơn 15.000 hoạt động ở cấp xã; hơn 3.500 chi hội phụ nữ thực hiện "5 không, 3 sạch" xây dựng nông thôn mới tại 40 tỉnh, thành; đến nay gần 11 triệu gia đình đã đạt "5 không, 3 sạch".

Vai trò tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các cấp Hội đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương đánh giá cao, góp phần quan trọng vào thành quả chung xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả của chị Nguyễn Thị Loan (thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội).

Nhân rộng, đổi mới cách hoạt động để hiệu quả hơn

Hiện nay, không chỉ các địa phương phấn đấu xây dựng theo các tiêu chí của Chương trình nông thôn mới mà nhiều địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới lại tiếp tục tích cực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Trong bối cảnh đó, các cấp Hội phụ nữ tại các địa phương cũng lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò của mình trong quá trình thực hiện nông thôn mới nâng cao. Trong đó, các vấn đề về việc sản xuất và tái cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng nếp sống văn hóa… ngày càng được chú trọng hơn, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Đồng thời một số hạn chế, khó khăn của các cấp Hôi phụ nữ khi tham gia xây dựng nông thôn mới cũng cần có giải pháp cụ thể tập trung giải quyết .

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trong Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự kiến sẽ chủ trì, hướng dẫn thực hiện 2 nội dung chính là: Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường bảo vệ, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.

Với định hướng này, Hội sẽ điều chỉnh tiêu chí "5 không, 3 sạch" trong Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" sát với tiêu chí quốc gia mới về nông thôn mới đồng thời có hướng dẫn cụ thể đối với các xã chưa đạt chuẩn, xã đã đạt và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, Hội cũng tiếp tục chỉ đạo mỗi cơ sở Hội đăng ký thực hiện hiệu quả các hoạt động hoặc phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới.

Video về vai trò của phụ nữ trong phong trào xây dựng nông thôn mới:

 

Bài, ảnh: Tạ Nguyên- Lê Phú/báo Tin tức