11:16 23/11/2014

Khi nước Nga gia tăng dự trữ vàng

Chính lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga phải gia tăng dự trữ vàng. Lý do là lệnh trừng phạt đó khiến người Nga khó bán vàng ra nước ngoài. Thông thường phần lớn vàng khai thác tại Nga được bán cho các ngân hàng trong nước, rồi sau đó được bán lại cho NHTW hoặc ngân hàng nước ngoài...

Các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đã đẩy mạnh mua vàng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và chính họ cũng là những khách hàng mua ròng vàng kể từ năm 2010 - thời điểm chưa bùng nổ căng thẳng giữa Nga và Ukraine dẫn đến việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Moskva. Riêng trường hợp của Nga, lệnh trừng phạt dường như là động lực thúc đẩy hoạt động mua vào mạnh mẽ hơn để đối phó với sức ép của phương Tây.

Tính riêng quý III năm nay, Nga đã mua vào khoảng 55 tấn vàng. Ảnh: RT.


Một khách hàng tiềm năng

Thông thường khi đối mặt với khó khăn các nước thường tìm đến vàng như là công cụ bảo toàn nguồn vốn và phòng ngừa rủi ro. Trong thập niên qua Ngân hàng trung ương Nga (BoR) là một trong những khách hàng tích cực mua vàng nhất trong số các NHTW trên thế giới. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), chỉ tính riêng trong quý III năm nay các NHTW trên thế giới mua vào 92,8 tấn vàng, trong đó Nga chiếm 59%, tương đương 55 tấn. Chỉ tính trong ba quý đầu năm nay Nga đã mua vào gần 115 tấn vàng, vượt xa các mức tương ứng là 75 tấn và 77,5 tấn của năm 2012 và 2013.

Như vậy Nga đã tăng gần gấp 3 lần dự trữ vàng kể từ cuối năm 2004 lên 1.149,8 tấn tính đến tháng 9 năm nay và là nước có dự trữ vàng lớn thứ sáu thế giới.

Hiện nay vàng chiếm khoảng 10,6% dự trữ ngoại tệ của Nga, tăng khá nhiều từ mức chưa tới 8,4% cách đây một năm, nhưng vẫn còn ở khá xa so với tỷ lệ 70% của Mỹ và Đức, hai nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới.

BoR đã tận dụng cơ hội giá vàng ở mức thấp nhất trong 4 năm qua để đẩy mạnh mua vào. Giá vàng từng lập đỉnh cao của mọi thời đại là 1.921,50 USD/ounce hôm 6/9/2011, nhưng từ thời điểm đó đến nay vàng đã để mất hơn 35% giá trị. Hiện tại kim loại quý này đang được giao dịch xoay quanh 1.200/ounce - một mức giá được coi là khá hấp dẫn để mua vào.

Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính trong nước năm 1998 Nga liên tục gia tăng dự trữ vàng. Bởi vậy, theo nhà phân tích Jo Battershill từ Ngân hàng UBS, lượng vàng dự trữ của Nga tăng cao trong quý III vừa qua không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu nhìn lại 4-5 năm trước các NHTW trên thế giới "gom" nhiều vàng trong quý III vừa qua như Nga, Kazakhstan và Azerbaijan đều là những khách hàng thường mua nhiều vào thời điểm quý III hàng năm.

Đầu tháng này Phó Thống đốc Ksenia Yudayeva nói rằng BoR có thể sử dụng vàng từ kho dự trữ ngoại tệ để chi trả hoạt động nhập khẩu.

Theo nhà phân tích Daniel Briesemann từ Commerzbank AG tại Frankfurt, ở hầu hết các nước trên thế giới tỷ lệ dự trữ vàng trong kho dự trữ ngoại tệ tương đối thấp nên có nhiều cơ hội để mua thêm.

Theo WGC, các NHTW trên thế giới đã mua 1.800 tấn vàng trong vòng 6 năm tính tới tháng 6/2014 và năm nay họ có thể mua vào 500 tấn vàng sau khi mua 544 tấn trong năm 2012 và 409 tấn vào năm ngoái.

Những lực đẩy phía sau

Theo hãng tin Reuters, chính lệnh trừng phạt của phương Tây buộc BoR phải gia tăng dự trữ vàng. Lý do là lệnh trừng phạt đó khiến người Nga khó bán vàng ra nước ngoài. Thông thường phần lớn sản lượng vàng khai thác tại Nga được bán cho các ngân hàng thương mại trong nước như Sberbank hay VTB, rồi sau đó được bán lại cho BoR hoặc các ngân hàng nước ngoài.

Nhưng năm nay các ngân hàng nước ngoài hạn chế mua vàng của Nga sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Lệnh trừng phạt của phương Tây không tuyệt đối cấm mua vàng, nhưng các ngân hàng phương Tây hết sức thận trọng khi làm ăn với các đối tác Nga. Bởi vậy BoR không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải mua vào số vàng đã được khai thác trong nước mà không thể bán cho các ngân hàng nước ngoài.

Lượng vàng lớn sẽ giúp Nga có thêm khả năng hỗ trợ đồng nội tệ đang suy yếu.


Đây là biện pháp mà BoR thực hiện để giúp các ngân hàng thương mại vượt qua giai đoạn khó khăn và quan trọng hơn là gia tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong nước.

Trong thời điểm hiện nay, những lý do tích trữ vàng thường xuất phát từ nguy cơ sụp đổ kinh tế hoặc nguy cơ chiến tranh. Nhưng còn có một yếu tố khác "ẩn" sau hoạt động mua vàng của Nga. Đó là trong những tháng qua, đồng ruble (rúp) của Nga đã suy sụp thảm hại trên thị trường ngoại hối quốc tế, chủ yếu do các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào "xứ sở Bạch dương".

BoR đã thả nổi đồng ruble kể từ ngày 10/11, hủy bỏ việc áp dụng biên độ dao động hàng ngày của đồng tiền này cũng như chấm dứt những can thiệp thường xuyên vào thị trường - quyết định được các nhà đầu tư cho là cần thiết để tránh phải tung thêm USD từ kho dự trữ để ổn định đồng nội tệ và ngăn chặn đầu cơ. Trong tháng 10, BoR đã sử dụng 30 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại tệ để kìm hãm đà mất giá của đồng ruble. Dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm từ mức 510 tỷ USD vào đầu năm nay xuống 400 tỷ USD hiện nay.

Đây là một con số không nhỏ, song nước này cần một nguồn "đệm" để chống lại tình trạng thoái vốn trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến nợ nước ngoài tăng cao, kinh tế trì trệ và lạm phát cao. Trong 10 tháng đầu năm nay, số vốn bị rút khỏi Nga là 110 tỷ USD và đến cuối năm 2014 con số này có thể lên đến ít nhất là 120 tỷ USD.

Một lượng vàng dự trữ lớn rõ ràng là sẽ giúp Chính phủ Nga có đủ khả năng để tiếp tục hỗ trợ đồng nội tệ trên thị trường ngoại hối toàn cầu trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây có khả năng sẽ còn kéo dài.

Trong thông báo ngày 15/10, Credit Suisse Group AG lưu ý Nga đã phải chi ra 200 tỷ USD để hỗ trợ đồng ruble trong vòng 7 tháng sau sự kiện Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ cách đây 6 năm, khiến dự trữ ngoại tệ giảm 40%. Và giờ đây Nga không muốn điều đó tái diễn.

Không những thế Nga đang tìm cách đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ, tránh các đồng tiền mà họ cho là đang nằm dưới "sự kiểm soát" của Mỹ. Theo WGC, động thái tăng dự trữ vàng của Nga nằm trong nỗ lực đa dạng hoá kho dự trữ ngoại tệ khỏi đồng USD.

Một lý do nữa thôi thúc Nga gia tăng dự trữ vàng có lẽ là liên quan tới sự tuột dốc của thị trường dầu mỏ thế giới. Gần một nửa ngân sách của Nga phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động bán dầu thô và khí đốt cho các khách hàng nước ngoài và Nga cần giá dầu ở mức 105 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Trong khi giá dầu thế giới đã giảm hơn 30% kể từ mức 115 USD/thùng hồi tháng 6 xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 giá dầu ở mức thấp như vậy. Theo chính Tổng thống Putin, Nga đang chuẩn bị đối mặt với thảm hoạ giá dầu.

Về triển vọng giá vàng thế giới, kết quả khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters cho thấy giá vàng sẽ chạy qua mốc 1.100 USD/ounce vào cuối năm nay, thậm chí còn rớt xuống 1.000 USD/ounce - mức chưa từng có trong 5 năm qua. Nếu diễn biến thị trường không nằm ngoài dự đoán đó có lẽ Nga sẽ tiếp tục hưởng lợi khi vẫn duy trì chiến lược "đẩy" thêm vàng vào kho dự trữ ngoại tệ quốc gia.


Hoàng Hà
(TTXVN)