06:18 22/06/2012

Khi những nạn nhân của bạo lực gia đình trực tiếp lên sân khấu

Những ngày giữa tháng 6 này, sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ đã nóng lên với một chương trình nghệ thuật mang tính xã hội cao: Chương trình "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng".

Những ngày giữa tháng 6 này, sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ đã nóng lên với một chương trình nghệ thuật mang tính xã hội cao: Chương trình "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng", do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Đoàn kịch 3 – Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam phối hợp thực hiện.


Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác, tinh thần của các thành viên sống trong đó, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Một xã hội không thể được gọi là phát triển, văn minh nếu tình trạng bạo lực vẫn tồn tại.


Một trong những cách để góp phần giảm trừ, tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình là triển khai hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt rất cần sự chung tay của xã hội. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của chương trình nghệ thuật "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng".


Chương trình gồm hai phần: Phần 1 là kịch hình thể đương đại với chất liệu là những chuyển động, vũ đạo và tạo hình ấn tượng, nhằm gây cảm xúc mạnh cho khán giả. Phần 2 là kịch tương tác, mà ở đó, khán giả có thể thay đổi câu chuyện kịch bằng cách tham gia biểu diễn với các diễn viên trong không gian nghệ thuật đầy ngẫu hứng và sáng tạo.


Với "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng", lần đầu tiên những người phụ nữ bị bạo lực, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nghệ sỹ chuyên nghiệp, đã trực tiếp tái hiện cuộc đời mình trước cộng đồng bằng nghệ thuật sân khấu đương đại.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Trung tâm bảo hộ bản quyền tác giả đã gửi thư đồng ý miễn tác quyền ca khúc "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" được sử dụng trong chương trình cho đạo diễn Như Lai và Nhà hát Tuổi trẻ.


Họ dũng cảm kể những câu chuyện của chính mình, bộc lộ những nỗi đau, sự tủi hổ mà họ phải chịu đựng suốt những năm tháng trong quá khứ.

Bên cạnh đó, họ cũng đã chia sẻ những khát khao, những ước mơ cháy bỏng, và đặc biệt là con đường vượt qua số phận của bản thân mình.


Khán giả đã được chứng kiến rất nhiều hình ảnh, chuyển động giàu cảm xúc trên sân khấu, được lắng nghe những lời tâm sự tận đáy lòng của chính những người trong cuộc – những phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Dù vẫn còn đôi chút bỡ ngỡ, vụng về, nhưng điều quan trọng nhất mà các diễn viên không chuyên – những người phụ nữ từng bị bạo lực, đạt được qua chương trình này là: Họ đã được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những tổn thương trong quá khứ, và dũng cảm quyết định cuộc đời mình.


Phát biểu trong chương trình, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ông Trương Nhuận khẳng định: "Chương trình nghệ thuật “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” là một dự án hợp tác văn hóa giữa Trung tâm SCAGA và Nhà hát Tuổi trẻ. Chương trình là một hoạt động nhằm cùng chung tay với tất cả mọi người, cũng như cùng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với cả cộng đồng xã hội về một vấn nạn nhức nhối ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể xác và tinh thần của nhiều nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đó chính là vấn đề bạo lực gia đình".

Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ông Trương Nhuận.


Sau rất nhiều thành công với những chương trình mang thông điệp về HIV/ AIDS, đồng tính, trẻ em lang thang, chương trình "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" một lần nữa cho thấy một góc nhìn hết sức nhân văn của đạo diễn trẻ Bùi Như Lai và các đồng nghiệp: NS Hoàng Tùng, biên đạo Hoài Nam và NS Như Quỳnh, Thu Hà trong vai trò hướng dẫn biểu diễn.


Dưới đây là một số hình ảnh trong chương trình:














A.A