09:10 27/09/2011

Khi người trẻ làm tài tử

Nhạc hội Đờn ca tài tử TP.HCM 2011 vừa kết thúc (tối 25/9) đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho những ai yêu mến đờn ca tài tử càng tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật đặc sắc đất Nam bộ này trong lòng xã hội hiện đại.

Nhạc hội Đờn ca tài tử TP.HCM 2011 vừa kết thúc (tối 25/9) đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho những ai yêu mến đờn ca tài tử càng tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật đặc sắc đất Nam bộ này trong lòng xã hội hiện đại.

4 ngày tranh tài, với 300 tài tử từ 23 CLB ở các quận huyện, các nghệ sĩ tự do của TP.HCM và gần 100 tài tử từ 6 tỉnh thành (Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp), với gần 300 tiết mục thuộc đủ các thể loại bài bản, lần đầu tiên, giới đờn ca tài tử (ĐCTT) TP.HCM có một cuộc tổng biểu dương lực lượng rầm rộ đến thế.

Biểu diễn trong nhạc hội Đờn ca tài tử TP.HCM 2011

Những năm qua, mặc dù vẫn duy trì các liên hoan ĐCTT (diễn ra 2 năm/lần) nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, số lượng các CLB, tài tử góp mặt cũng hạn chế, lại diễn ra khá âm thầm tại một nhà văn hóa quận, huyện ngoại thành nào đó. Lần này, nhạc hội được đưa về Văn Thánh, một khu du lịch có tiếng của TP.HCM, đã thu hút được sự chú ý của công chúng (ước tính khoảng 5.000 lượt khách đã đến với chương trình), tạo hiệu ứng xã hội tích cực hơn các kỳ liên hoan trước.

8 giải tập thể và 20 giải cá nhân được trao cho các đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất nhạc hội.

Giải tập thể: Trung tâm Văn hóa (TTVH) Q.3 - giải Nhất; TTVH Thể thao Tân Bình, TTVH TP.HCM, huyện Củ Chi - giải Nhì ; TTVH Tân Phú, Q.5, huyện Hóc Môn, Thủ Đức - giải Ba.

Các tài tử ca: Phương Uyên, Minh Đức, Nguyễn Thị Kim Phóng, Lê Thị Phương Thảo đoạt giải Vàng. Ngoài ra, BTC còn trao 7 giải Bạc và 9 giải Đồng khác.

Nhạc sĩ Huỳnh Khải cho biết, điều đáng mừng ở nhạc hội ĐCTT năm nay không chỉ dừng lại ở quy mô tổ chức lớn hơn hẳn, mở rộng nhiều hoạt động phong phú (triển lãm tư liệu, thuyết trình về nghệ thuật đờn ca tài tử, biểu diễn giao lưu của nghệ sĩ nổi tiếng, nghệ nhân các tỉnh bạn...) mà còn ở chất lượng nghệ thuật rất cao và nhất là sự trưởng thành của những người trẻ. “Ở mỗi thời chúng ta sẽ có những phong cách khác. Ngày trước, bài ca thường ngắn gọn, tài tử ca có cách sắp chữ riêng kèm kỹ thuật luyến láy, ngân nga hay đổ hột rất đặc trưng. Còn bây giờ các bạn trẻ thích lời ca dài, sắp chữ liền, nhanh, tạo tiết tấu cũng dồn dập, “xốc”, tránh sự rề rà. Cách nhả chữ cũng không hướng nhiều đến kỹ thuật luyến láy mà gần gũi với cách phát âm đời thường hơn. Với những gì đã thể hiện ở nhạc hội ĐCTT này: bài bản vững vàng, chắc nhịp, phong cách trình diễn biểu cảm, tự tin... thì rõ ràng các em rất triển vọng”, nhạc sĩ Huỳnh Khải chia sẻ.

Nhạc hội ĐCTT năm nay cũng ghi nhận hiện tượng đáng mừng: đã có nhiều hơn những tay đờn triển vọng góp mặt.

Ninh Lộc

Theo TT&VH