02:07 17/02/2015

Khi người Tây ăn Tết ta

Đối với người nước ngoài, Tết cổ truyền Việt Nam luôn ẩn chứa một sức hút mãnh liệt, mang nhiều sắc thái rất lạ nhưng cũng rất thân thương.

Những năm gần đây, số lượng người nước ngoài xem Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là quê hương thứ hai ngày càng nhiều. Họ có thể là người đang công tác ở các doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao và cũng có thể là “dâu”, là “rể” Việt Nam. Đối với họ, Tết cổ truyền Việt Nam luôn ẩn chứa một sức hút mãnh liệt, mang nhiều sắc thái rất lạ nhưng cũng rất thân thương.

Đôi vợ chồng người Pháp đã gắn bó với ngôi chợ nhỏ này 3 năm qua.


Phiên chợ ngày cuối năm

Có lẽ hầu hết tiểu thương ở cái chợ nhỏ không tên nằm trong khu dân cư phía sau công viên văn hóa Suối Tiên (quận 9, TP Hồ Chí Minh) không lạ gì với đôi vợ chồng người Pháp mà theo họ rất gần gũi và dễ mến. Đã 3 năm qua, Florent và Magali vẫn đều đặn đến ngôi chợ nhỏ này vào mỗi buổi sáng để mua thực phẩm.

Sáng ngày cuối cùng của năm cũ, đôi vợ chồng này bao giờ cũng đến chợ sớm nhất, tìm mua những loại quả mà như bao gia đình người Việt Nam chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc.

“Bao nhiêu?”, giọng Việt lơ lớ của Florent phát ra kịp lúc đôi tay đưa cho một chị tiểu thương xem cặp bưởi mà anh đã chọn. Trong khi đó, vợ anh - Magali, đang loay hoay chọn lựa những đóa bông cúc vàng rực để chuẩn bị đón Tết.

Theo Magali, gia đình chị đã từng đón 3 cái Tết cổ truyền của người Việt Nam và được chứng kiến những phong tục độc đáo của người Việt trong những ngày đặc biệt này. Dịp Tết năm nay, chị đã quyết định và rất háo hức chuẩn bị cho những ngày Tết của gia đình mình giống như những người bản xứ.

Florent đang chọn mua những trái bưởi vào những ngày đầu xuân.


“Tôi thấy người Việt Nam vào những ngày trước Tết cổ truyền lau chùi, sơn lại cửa, hàng rào và những ô cửa kính. Phía trước nhà luôn có những chậu hoa vàng, đỏ trông rất đẹp mắt và bên trong phòng khách được tô điểm bằng những đóa hoa rực rỡ. Năm nay, gia đình tôi cũng phải thật đẹp, thật tinh tươm để đón Tết và chắc chắn đây sẽ là mùa Tết tuyệt vời nhất, một kỷ niệm đẹp đánh dấu năm thứ 4 gia đình tôi ở tại TP Hồ Chí Minh”, Magali háo hức nói.

Trên tay vẫn giữ chặt cặp bưởi căng mọng với cuốn lá xanh thẫm, Florent cùng vợ đi đến những sạp thực phẩm, trái cây, rau quả để tiếp tục mua những thứ cần thiết cho “kế hoạch” đón Tết.

Quả đúng như những gì mà các tiểu thương tại ngôi chợ này nói với chúng tôi, rằng “đó là một cặp đôi người Pháp thật dễ mến”, bởi đi đến đâu, Magali luôn nở nụ cười trên môi, còn Florent luôn cố gắng gửi đến những người bán hàng những câu chúc như “Chúc mừng năm mới” hoặc “Năm mới phát tài”… dù rằng khả năng phát âm tiếng Việt của Florent có thể nói là... “dở tệ”.

Đón những nụ cười, những lời chúc này, từ chị bán cá ngồi xổm dưới vỉa hè cho đến bà chủ bán rau quả trên sạp đều nhoẻn miệng cười tươi rói đáp lời. Có chị tiểu thương còn vội dúi ngay vào giỏ đi chợ của Magali vài củ cà rốt xem như là món quà “lì xì” để đáp lại lời chúc tốt đẹp trong những ngày đầu xuân của họ.

Florent cho biết anh phải mất mấy ngày tập luyện những câu chúc Tết nói trên từ sự chỉ dạy của “cô giáo” là chị Yến, chủ một cửa hàng tạp hóa cách ngôi chợ nhỏ đó không xa. Anh còn “khoe” bà chủ tốt bụng này vừa cho anh hai tờ giấy đỏ ghi chữ “Phúc” để dán lên cặp bưởi mà anh vừa mua.

“Đôi vợ chồng người Pháp đó là khách quen mấy năm nay. Mỗi lần qua mua hàng, Florent đều nhờ tôi chỉ cho vài từ tiếng Việt đơn giản. Có lần anh chàng người nước ngoài này vừa nói, vừa múa may tay chân hơn 15 phút đồng hồ tôi mới hiểu đại ý là “tiếng Việt phong phú như văn hóa của con người Việt Nam vậy”, chị Yến cười nói.

“Quê hương” thứ hai

Sau khi đã mua đủ những thứ cần thiết, Florent hướng ánh mắt về phía ngôi chợ nhỏ đang tấp nập trong buổi sáng cuối năm để quan sát. Những tia nắng xuân ấm áp đang tràn trên khuôn mặt từng người đang rộn ràng niềm vui của những ngày được quây quần hạnh phúc bên gia đình, gạt bỏ đi những gánh nặng lo toan của cuộc sống thường nhật. Còn trong ánh mắt của Florent lại là những hình ảnh vừa khác lạ nhưng cũng rất thân quen.

Magali luôn nở nụ cười thật tươi mỗi khi có dịp gặp gỡ.


Florent chia sẻ: “Bạn có biết vì sao tôi thích sống ở Việt Nam không? Vì hình ảnh những ngôi chợ ven đường gắn liền với tuổi thơ của tôi khi còn ở bên Pháp. Cha tôi hay đưa tôi ra những ngôi chợ như thế này để mua sắm, tôi thích thú lắm. Bên Pháp hiện rất hiếm hoi những hình ảnh như vậy. Và mùa này, quê hương tôi đang tràn ngập trong cái rét buốt của mùa đông, còn ở đây thì ấm áp, nhiều loại hoa khoe sắc. Có lẽ chúng tôi bị “níu chân” tại đây là vì những ngôi chợ nhỏ và bởi tấm lòng hiếu khách người bản xứ”.

Có thể nói rằng, hình ảnh những người nước ngoài làm ăn, sinh sống ở Việt Nam đã trở thành quá quen thuộc và gần gũi. Rất nhiều trong số họ chia sẻ với chúng tôi rằng, ở đất nước đầy ánh nắng này, điều mà họ nhận thấy rõ nét nhất chính là sự thân thiện của con người Việt Nam.

Hơn thế nữa, đối với những người đã từng đón Tết cổ truyền tại Việt Nam, cùng hòa mình trong dòng người đón thời khắc giao thừa trên phố như đôi vợ chồng Florent và Magali đã cảm nhận và có được những kỷ niệm mang đậm chất Việt Nam không bao giờ quên.

Magali hiện đang là giáo viên dạy âm nhạc tại một trường học quốc tế và Florent là một nhiếp ảnh gia tự do. Họ cho biết, đêm giao thừa tới đây sẽ cùng ba đứa con của mình là Laura (7 tuổi), Matid (6 tuổi) và Clara (3 tuổi) ghi lại thời khắc chuyển giao năm mới trên đường phố cùng với những người bạn Việt Nam.

“Những đứa con của chúng tôi rất háo hức được xem pháo bông và sau khi trở về nhà, Florent sẽ là người “xông” đất đầu năm để mang lại nhiều may mắn trong năm mới. Không có gì tuyệt hơn khi bạn biết rằng mình đang sống tại một đất nước yên bình, được làm công việc yêu thích và nhất là được tìm hiểu với những phong tục tập quán rất thú vị của ngày Tết cổ truyền Việt Nam”, Magali cười thật tươi.

Nhắc đến món ăn ngày Tết truyền thống của người Việt Nam, Magali kể hàng loạt những món ăn mà chị sẽ mua và lần đầu tiên tự tay nấu nướng trong dịp Tết cổ truyền năm nay. Magali cho biết đã nhờ bà chủ cửa hàng tạp hóa hướng dẫn công thức làm một số món đặc sắc của người Việt Nam như: thịt kho tàu, gà luộc ăn với muối tiêu chanh..., còn những món như: bánh chưng, dưa món, củ kiệu… sẽ mua trong siêu thị.

Đặc biệt, ngoài rượu vang, rượu đế sẽ là thức uống không thể thiếu của Florent khi tiếp đãi bạn bè đến thăm trong những ngày Tết. Florent hóm hỉnh nói: “Rượu đế rất mạnh và nóng khi uống vào nhưng tôi thấy thích món rượu này. Bởi tôi đã từng được một người bạn Việt Nam mời uống trước đây, anh ấy là một người rất nồng nhiệt và tôi nghĩ rằng, người Việt Nam nồng nhiệt thì mới tạo ra thứ rượu có vị rất lạ và nóng từ hạt gạo như vậy”.

Magali cùng con gái út, Clara dán những tấm giấy đỏ lên cặp bưởi.


Còn anh Rob Wilson, quốc tịch Mỹ, đang là một giáo viên dạy trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, cho biết anh đã sống ở Việt Nam được 7 năm và cái Tết này là cái Tết thứ 7 của anh. “Tôi không rõ lý do cụ thể vì sao tôi muốn ở đây nhưng chắc chắn vì Việt Nam là nơi duy nhất mà tôi cảm thấy thú vị. Tôi không có bất kỳ người thân nào khi mới đến đây, nhưng bây giờ tôi đã có vợ người Việt và một cô con gái”, Rob Wilson trả lời hóm hỉnh khi được hỏi vì sao anh chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Rob Wilson còn cho biết thêm, anh thích mọi thứ thuộc về Tết cổ truyền của Việt Nam. Anh nói rằng, đó là một truyền thống được kế thừa, ngay cả một người nước ngoài như anh.

“Tôi cảm thấy giờ đây mình quen thuộc với tất cả mọi thứ gọi là Tết cổ truyền của Việt Nam. Tôi thích đi chùa vào đêm giao thừa, nhận lộc xuân cho năm mới và đương nhiên là tôi sẽ ăn chay vào ngày đầu năm. Tôi thấy có nhiều điểm khác biệt khi so sánh với Tết Dương lịch vì người trưởng thành ít có những buổi họp mặt mang tính gia đình và do đó cảm xúc cũng không quá sâu sắc”, Rob Wilson cười nói.

Vào những ngày đầu năm mới, gia đình của Rob Wilson sẽ không rời khỏi thành phố để đi du lịch. Thay vào đó, những người thân quen sẽ đến nhà nhau, chúc phúc trong những ngày Tết.

Kết thúc câu chuyện với Rob Wilson, anh chia sẻ niềm ao ước sẽ được sống và làm việc lâu dài tại TP Hồ Chí Minh và khi bước vào độ tuổi nghỉ hưu thì thành phố Đà Nẵng hoặc Đà Lạt có thể là nơi gắn bó phần đời còn lại của anh ở đất nước Việt Nam này.


Bài và ảnh: Anh Đức - Đan Phương