11:16 18/11/2014

Khi người Nga bị làm 'người ác' trong phim Hollywood

Khi khắc họa kẻ ác, Hollywood thường viện tới những định kiến cố hữu về các dân tộc. Nhưng tại sao họ lại muốn làm phật lòng một bộ phận khán giả Nga khi liên tiếp nhiều lần cho người Nga đóng vai kẻ ác trong phim.

Khi khắc họa kẻ ác, Hollywood thường viện tới những định kiến cố hữu về các dân tộc. Nhưng tại sao họ lại muốn làm phật lòng một bộ phận khán giả? 


Từ một cựu điệp viên KGB tàn ác trong "The Avengers" cho đến bọn xấu người Nga trong "A Good Day to Die Hard", điều chắc chắn là không thiếu nhân vật phản diện là người Nga trên màn ảnh. Các chính trị gia và các nhà làm phim Nga đã nói rõ rằng họ không vui với việc ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ tiếp tục mô tả người Nga là kẻ ác. Thậm chí còn có đe dọa từ Nga là nước này sẽ tẩy chay các bộ phim của Hollywood. Điều này càng cho thấy rõ rủi ro khi các nhà làm phim mô tả xấu về người dân một nước nào đó.

Kenneth Branagh đóng vai một tỉ phú người Nga hung ác trong phim Jack Ryan. Ảnh: Paramount Pictures.


Hãng tin Nga Interfax hồi tháng 8 đưa tin rằng ông Batu Khasikov, một thành viên của Ủy ban Văn hóa của Thượng viện Liên bang Nga đã nói rằng những bộ phim mà "có liên quan đến Nga đều bị làm xấu quá mức hay được thể hiện một cách sơ khai và ngốc nghếch nên bị cấm phát hành ra rạp".

Việc khắc họa các nhân vật người Nga là kẻ ác đã có từ lâu. Ông James Chapman, giáo sư nghiên cứu phim ảnh tại Đại học Leicester nói: “Thậm chí trước cả Chiến tranh Lạnh, Nga đã bị khắc họa là một mối đe dọa địa chính trị đối với phương Tây, nhưng đến khi Chiến tranh Lạnh xảy ra, quan niệm đó lại càng bị nhuốm màu ý thức hệ khi mà giờ đây nó không chỉ liên quan đến nước Nga mà còn chính quyền Cộng sản của Liên Xô”.

Điều bất ngờ là sự sụp đổ Bức tường Berlin không chấm dứt việc thể hiện những kẻ ác người Nga trên màn ảnh. Có lẽ đã có một lúc tần suất của vai phản diện người Nga có giảm nhưng các nhân vật Nga vẫn là những vai ác mà Hollywood ưa chuộng.

Bà Nina Khrushcheva, cháu của cố lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và hiện là một giáo sư định cư ở Mỹ, đang dạy ở trường New School ở New York, đã theo dõi việc hình ảnh người Nga được khắc họa như thế nào trong ngành công nghiệp giải trí của Mỹ. Theo đánh giá của bà thì việc ghép các nhân vật phản diện cho người Nga không thật sự giảm bớt kể từ Chiến tranh Lạnh. Bà nói: “Nó chưa bao giờ giảm bớt thật sự để Nga thấy rằng họ luôn là kẻ thù của Mỹ”.

Bộ phim "Red Dawn" phiên bản làm lại năm 2012 đã phải thay đổi vai phản diện từ người Trung Quốc sang người Triều Tiên trong giai đoạn hậu kỳ.


Trung Quốc cũng "được giao" một số vai ác trong phim của Hollywood kể từ thời ác nhân Fu Manchu trong những ngày đầu khi phim có lời thoại ra đời. Khi hãng MGM cho ra mắt bộ phim ‘Mặt nạ của Fu Manchu’ hồi năm 1932, Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đã gửi công hàm phản đối chính thức.

Ngày nay, khó tìm được bất kỳ nhân vật Trung Quốc là người ác trong các bộ phim Hollywood vì Trung Quốc đã trở thành một thị trường hết sức quan trọng của phim Mỹ. Điều này có thể thấy rất rõ khi bộ phim chiến tranh Red Dawn được làm lại hồi năm 2012. Lúc đầu, các vai ác là người Trung Quốc. Nhưng sau đó, những người sản xuất lo rằng việc này sẽ gây khó khăn cho họ tiếp cận thị trường Trung Quốc nên những vai ác đã được biến thành người CHDCND Triều Tiên trong giai đoạn hậu kỳ. Việc này tốn rất nhiều tiền. Bởi vì không có phim Hollywood nào phát hành ở Triều Tiên nên các nhà sản xuất không sợ mất doanh thu tại đây.

Ông Klaus Dodds, Giáo sư địa chính trị tại Đại học London, nói: “Tôi nghĩ Hollywood quan tâm hơn nhiều đến thị trường Trung Quốc”. Thật ra, gần như Hollywood ám ảnh với thị trường Trung Quốc nhưng giờ đây với sự bất bình của người Nga có thể làm giảm doanh thu phòng vé, các nhà làm phim Hollywood có thể đánh giá lại vấn đề.


TTK