09:11 11/09/2015

Khi người di cư đua nhau tự nhận là công dân Syria

Chiếc chứng minh thư Pakistan lẩn khuất trong bụi cây, một chiếc khác của Bangladesh nằm chỏng chơ trên ruộng, một bằng lái xe sờn rách với hình ảnh người đàn ông để bộ râu kiểu Iraq, chiếc khác lại là bức hình cô gái vận khăn trùm đầu với nụ cười bẽn lẽn.


Người di cư xếp hàng chờ làm thủ tục tại biên giới Macedonian- Hy Lạp. Ảnh: Reuters


Tất cả những giấy tờ tùy thân bị bỏ rơi không thương tiếc rải rác khắp biên giới Serbia và Hungary trên là minh chứng cho thấy nhiều người dân di cư đã tràn vào châu Âu để thoát khỏi đói nghèo ở quê nhà nhưng họ đang cố giấu đi quốc tịch của mình để tự nhận là người Syria với hy vọng nhận được nhiều ưu tiên hơn.

Rất nhiều người di cư tin rằng việc sử dụng giấy tờ giả hoặc không có giấy tờ nào lại giúp họ có nhiều cơ hội hơn trong việc được cho phép tị nạn tại Đức và nhiều nước châu Âu khác.

Quan niệm kỳ lạ này bắt nguồn từ việc nhiều người di cư ngộ nhận rằng con đường chắc chắn nhất để được nhập cư vào các nước châu Âu là giả mạo công dân Syria - những người tị nạn tránh chiến tranh chứ không phải tị nạn vì đói nghèo. Đó là yếu tố dẫn đến hiện tượng người di cư "đua nhau" tự nhận mình là công dân Syria.

Lực lượng biên phòng Serbia cho biết gần 90% người di cư tại Macedonia đều khẳng định rằng họ là người Syria mặc dù họ không hề có bất cứ giấy tờ tùy thân nào để minh chứng điều này.

Sĩ quan cảnh sát tại biên giới Miroslav Jovic chia sẻ: “Bạn có thể nhận thấy có điều gì đó bất bình thường khi hầu hết những người di cư khi bước vào Serbia đều khai rằng 1/1 là ngày sinh của họ. Tôi đoán đó là con số đầu tiên ập vào trong suy nghĩ của họ”.

Người di cư Syria tại Hy Lạp. Ảnh: Reuters


Lãnh đạo của cơ quan kiểm soát biên giới EU Frontex cho biết việc buôn bán những hộ chiếu Syria giả đã gia tăng. Bộ trưởng tài chính Đức còn cho biết tại nước này, các quan chức hải quan đã giữ được bưu kiện gửi đến Đức bao gồm hộ chiếu Syria thật và cả giả mạo.

Hiện tượng này thậm chí khiến những người Syria cũng phải lo lắng. Anh Kamal Saleh chỉ vào một nhóm đang cắm trại tại công viên Belgrade, Serbia nói: “Tất cả mọi người đều nói rằng họ là người Syria, ngay cả những người mà tôi chắc chắn là không phải bởi vẻ bề ngoài của họ. Điều này không hề tốt cho những người Syria như chúng tôi bởi vì chỉ có giới hạn đối với số lượng những người được nhập cư".

Saleh đã phải bỏ lại vợ, con trai nhỏ và ngôi nhà bị phá hủy tại ngoại ô Damascus ở Syria. Ở mọi thời điểm, Saleh luôn cảnh giác và cất giữ kỹ lưỡng hộ chiếu Syria trong túi quần. Những giấy tờ tùy thân này có thể giúp chứng minh rằng anh là người tị nạn tránh khỏi chiến tranh và không phải là một người di cư vì nghèo đói, đây chính là điểm khác biệt lớn khi việc đăng ký nhập cư được cơ quan chức năng các nước châu Âu đưa ra xem xét.

Người di cư Syria xếp hàng chờ làm thủ tục tại cơ quan cảnh sát ở đảo Agathonisi, Hy Lạp. Ảnh: Reuters


Các tổ chức cứu trợ quốc tế ước tính rằng có gần 340.000 người đã vượt biên giới châu Âu kể từ tháng 1 và 2/3 trong số những người này là công dân Syria, Afghanistan, Iraq, Somalia và Eritrea, những nước được các tổ chức cứu trợ quốc tế coi như các nước “sản xuất người di cư” bắt nguồn từ việc đang có chiến tranh và xung đột.

Theo Hiệp ước về người tị nạn năm 1951, những người tị nạn vì chiến tranh hoặc ngược đãi được chấp nhận những quyền cơ bản dưới luật pháp quốc tế bao gồm quyền không thể ngay lập tức bị trục xuất.

Anh Rafik người Pakistan đang cố vượt biên tại Hungary cho biết anh quyết định xin tị nạn ở Đức. Tiết lộ với phóng viên của AP, Rafik nói: “Tôi đang bỏ lại cuộc sống trước đây ở sau lưng mình. Tôi không có hộ chiếu, không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Hãy đợi xem nước nào sẽ trục xuất tôi”.

Hà Linh (Theo AP)