08:09 29/08/2013

Khi nghĩ 'chậm' bằng những cái đầu lạnh...

Ráo riết điều binh khiển tướng, vạch kế hoạch can thiệp khẩn cấp và tăng cường phối hợp về quân sự - ngoại giao, các nước phương Tây mấy ngày qua đang kéo giới truyền thông quốc tế vào "trận đồ bát quái" với nhiều chiêu thức "hư mà thực, thực mà hư" trong vấn đề Syria.

Ráo riết điều binh khiển tướng, vạch kế hoạch can thiệp khẩn cấp và tăng cường phối hợp về quân sự - ngoại giao, các nước phương Tây mấy ngày qua đang kéo giới truyền thông quốc tế vào "trận đồ bát quái" với nhiều chiêu thức "hư mà thực, thực mà hư" trong vấn đề Syria.


Cáo buộc về vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học với những hình ảnh thương tâm được đưa ra hôm 21/8 ngay lập tức đã tạo ra "phản ứng nhiệt hạch", khiến cả thế giới rúng động và bàng hoàng.


Những gam màu "nóng" chiếm ưu thế chủ đạo đang chi phối bức tranh truyền thông về Syria hiện nay. Tất cả đều có chung một đáp án rằng phương Tây sẵn sàng không kích Syria trong một vài ngày tới, và vấn đề chỉ còn là chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian đến giờ G khai hỏa. Thậm chí, có thông tin nói rằng chiến dịch không kích sẽ diễn ra trước ngày 2/9.


Cho đến thời điểm này, cả Mỹ và Anh chưa đưa ra kế hoạch chi tiết của chiến dịch không kích. Thực tế cho thấy hành động quân sự này sẽ vấp phải nhiều thách thức ở phía trước, nếu nó được quyết định bởi những cái đầu "nóng". Và thay vì bị cuốn vào vòng xoáy của thông tin bùng nổ như hiện nay, dư luận thế giới trong một vài ngày tới chắc hẳn sẽ hướng sự chú ý đến những vấn đề đang đặt ra đối với phương Tây.


Thứ nhất, hành động quân sự, nếu được triển khai, sẽ dựa trên cơ sở pháp lý nào? Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định hôm 26/8 rằng nó có thể dựa trên yêu cầu khẩn thiết trong lĩnh vực nhân đạo và nỗi thống khổ của dân thường, phù hợp với luật quốc tế. Với cách lý giải này, quyết định can thiệp bằng quân sự của phương Tây có thể sẽ "vòng tránh" được Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh sẽ phải đối mặt với sức ép, buộc họ phải đưa ra những chứng cứ chi tiết về cơ sở pháp lý của hành động quân sự trên thực tế. Phải chăng đó sẽ là "bảo vệ dân thường" như năm 1999 khi NATO không kích Serbia? Hay dựa vào sự cần thiết phải ngăn chặn những hành động vi phạm các công ước quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học?


Thứ hai, Mỹ và đồng minh khẳng định rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus hồi tuần trước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, họ chưa đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào mà căn cứ vào đó, họ có kết luận "như đinh đóng cột". Nếu xét theo bối cảnh tình hình, nhận định trên có thể có lý, nhưng nhiều điều liên quan đến vụ thảm sát chưa được làm rõ. Đây là loại khí độc nào? Số người thiệt mạng chính xác là bao nhiêu? Ai ra lệnh tấn công? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra và phương Tây sẽ phải giải thích chi tiết với những gì mà họ có.


Thứ ba, mục đích của hành động quân sự là gì? Giới chức Anh cho rằng đó sẽ là một chiến dịch chớp nhoáng nhằm ngăn chặn ông Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, cuộc không kích nhằm vào mục tiêu là căn cứ quân sự và trang thiết bị của quân chính phủ Syria cũng có thể giúp cán cân thực lực trên chiến trường nghiêng về phía phe đối lập nước này. Các cường quốc phương Tây có thể phủ nhận, trong khi Nga đã sẵn lập luận rằng sứ mệnh bảo vệ thường dân của NATO ở Lybia nhanh chóng chuyển thành chiến dịch lật đổ chế độ.


Cuối cùng, chiến dịch không kích này sẽ đối mặt với những nguy cơ nào và đâu là hệ lụy do nó gây ra? Năm 2011, NATO khẳng định các loại vũ khí "thông minh" của họ đã đạt độ chính xác rất cao, và không gây ra thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, những nguy cơ mà phương Tây có thể phải đối mặt ở Syria khác hoàn toàn với Lybia. Ông Assad vẫn nhận được sự trợ giúp từ phía Nga và Iran, trong khi các tay súng Hezbollah thề quyết tử với quân nổi dậy Syria. Vì thế, bất cứ chiến dịch quân sự nào chống Syria cũng có thể "chọc giận" các đồng minh của ông Assad, kích động những cuộc tấn công trả đũa của Hezbollah.


Rõ ràng, trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin khi các nhà cung cấp đua tranh về tốc độ, thì dư luận cần lắm những khoảng lặng để dừng lại và chiêm nghiệm những gì đang xảy ra. Nếu không dừng lại trong giây lát để nghĩ "chậm" bằng những cái đầu tỉnh táo, thì phương Tây lại sa vào đúng "cái bẫy" thông tin nhanh trên một bức tranh với nhiều gam màu "nóng".


Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)