03:07 14/03/2015

Khi nghệ thuật truyền thống vươn tầm thế giới

Chương trình biểu diễn của Dàn hợp xướng của Học viện Phillip Exete và dàn nhạc thính phòng đại diện cho Học viện và bang New Hampshire, lại làm tốn nhiều giấy mực của báo chí; khiến rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam phải lùng vé đi xem.

Nếu chỉ đơn giản là chương trình biểu diễn của một dàn hợp xướng và một dàn nhạc giao hưởng nước ngoài tại Việt Nam, thì cũng không phải quá đặc biệt. Dù đó là Dàn hợp xướng của Học viện Phillip Exete và dàn nhạc thính phòng đại diện cho Học viện và bang New Hampshire (Mỹ), những “tên tuổi” đã được ghi nhận trong làng nhạc thính phòng thế giới. Bởi chúng ta đã đón tiếp và được thưởng thức rất nhiều những buổi biểu diễn đặc sắc, của những dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng nổi tiếng thế giới hơn thế.

Tiết mục biểu diễn của dàn nhạc dân tộc Việt Nam trong chương trình giao lưu tối 11/3 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


Thế nhưng, chương trình biểu diễn của Dàn hợp xướng của Học viện Phillip Exete và  dàn nhạc thính phòng đại diện cho Học viện và bang New Hampshire, lại làm tốn nhiều giấy mực của báo chí; khiến rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam phải lùng vé đi xem và hài lòng với những đêm mưa gió lặn lội tới nghe nhạc tại Nhà hát Chèo Việt Nam đêm 10/3, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đêm 11/3 (Hà Nội), hay không gian rộng dài của phố cổ Hội An, tại đường vòng chung Chùa Cầu vào tối 16/3 tới… 

Hoặc giả là khán phòng của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (đêm 19/3 tới). Vậy sức hút là ở đâu? Câu trả lời rất đơn giản, nằm ngay trong chương trình biểu diễn, khi mà ở đấy, uớc vọng của nhiều người là nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam được sánh vai cùng âm nhạc cổ điển, tinh hoa của nhân loại đã trở thành hiện thực.

Đêm diễn 10/3,  nhân kỉ niệm 20 năm quan hệ Việt Mỹ diễn ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam, và “đột nhiên”, những làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ được hòa mình cực kỳ quyến rũ và nhuần nhuyễn cùng những tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc Mỹ và châu Âu như Leonard Bernstein, John Philip Sousa, Scott Joplin, Dolly Parton, Mozart, Joseph Haydn, Francis Poulenc, Arcangelo Corelli, William Billings… 

Một sự kết hợp mà như khán giả Nguyễn Ngọc Dương khẳng định: “Một sự hòa quyện chưa từng có.  Không ngờ, Chèo một thứ đã ngấm trong máu tôi  bây giờ hòa quyện được với âm nhạc cổ điển thế giới”. Còn ca sĩ Khánh Linh thì chia sẻ: “Chương trình khiến tôi  phấn khích với phần âm nhạc dân gian Việt Nam. Phía nước bạn cũng rất hay”.

Có sự  thành công ấy là bởi, như  Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Thanh Ngoan đã chia sẻ: "Nghệ thuật Chèo có những đặc tính của Opera như một dạng Opera của phương Đông, hôm nay, giao hòa cùng âm nhạc cổ điển phương Tây, sẽ là một hình ảnh tuyệt đẹp cho sự hợp tác học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa". Và với tinh thần ấy, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo đã biểu diễn tổ khúc "Năm cung chèo", được xây dựng bằng cách khai thác các làn điệu chèo truyền thống như Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Xúy Vân… kết hợp với phần âm nhạc được các nhạc sĩ phát triển và tổng phổ thành một câu chuyên âm nhạc đầy sáng tạo.

Chia sẻ sau chương trình,  Nhạc trưởng Rohan khẳng định: “Nghệ thuật Chèo đã có từ lâu đời, từ hơn 1.000 năm, trong khi đó nghệ thuật âm nhạc của chúng tôi non trẻ, 200 năm. Chúng tôi cảm thấy mình thật có vinh hạnh khi được biểu diễn và giao lưu với một nền âm nhạc có từ lâu đời, và từ đó thấy mình còn rất non trẻ”. Còn với Giám đốc Thanh Ngoan: "Việc đem văn hóa dân tộc, đặc biệt là loại hình nghệ thuật chèo, đến gần với nền văn hóa tiên tiến của thế giới trên khắp năm châu, chính là góp phần tạo nên cầu nối giữa nền văn hóa thế giới và văn hóa Việt Nam, từ đó khắc họa hình ảnh, chuyển tải tâm hồn Việt Nam đến với trái tim  bạn bè quốc tế".

Đó là với Chèo, còn trong đêm diễn 11/3, là sự “sánh vai” của dàn nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với những đàn nguyệt, đàn tam thập lục, đàn bầu, t’rưng, đàn tranh, tỳ bà, đàn nhị… bên cạnh dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng của bạn; với những tiết mục như: Hầu Xá Thượng, Hát văn; các ca khúc “Cánh chim mặt trời” và “Chiếc khăn Piêu”… Đặc biệt, bài dân ca Việt Nam “Trống cơm” đã  được hai bên phối hợp biểu diễn, thay cho lời kết đêm diễn, như một sự khẳng định về những giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Một nghệ sĩ đã từng chia sẻ: Rồi một ngày, âm nhạc cổ điển thế giới có thể du nhập vào đến vùng sâu, vùng xa của Việt Nam và âm nhạc truyền thống Việt Nam như chèo, quan họ... cũng có thể vươn ra hòa nhập với âm nhạc cổ điển thế giới"... Và ngày này đã tới. Sau đêm diễn với tư cách chủ nhà, chắc chắn những đêm diễn với tư cách là “khách” sẽ đến với những nghệ sĩ của chúng ta, trong những chương trình giao lưu âm nhạc cổ điển quốc tế. Không còn là ước mơ nữa!


Bài và ảnh: D.H