06:08 13/06/2012

Khi nào bảo tàng thu hút khách du lịch?

Để tăng nguồn thu cũng như góp phần giới thiệu những hiện vật có giá trị tới công chúng, từ năm 2008, Bộ VH,TT&DL đã triển khai đề án “Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch”. Tuy nhiên, lượng khách đến thăm bảo tàng vẫn không tăng.

Để tăng nguồn thu cũng như góp phần giới thiệu những hiện vật có giá trị tới công chúng, từ năm 2008, Bộ VH,TT&DL đã triển khai đề án “Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch”. Tuy nhiên, lượng khách đến thăm bảo tàng vẫn không tăng.

 

Bảo tàng vẫn chưa hấp dẫn khách


Trong mỗi hành trình của các tour du lịch quốc tế, bảo tàng luôn là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách, bởi qua đó, họ có thể có cái nhìn tổng quan về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán vùng đất nơi mình đi qua. Với nhiều nước, bảo tàng là điểm đến không thể bỏ qua, trong khi đó ở Việt Nam, nguồn tiềm năng này đang bị bỏ phí.

 

Chưa chú trọng thu hút khách


Khách du lịch nước ngoài tham quan Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội). Ảnh : Lê Phú

 

Các hướng dẫn viên du lịch (HDV) đều có chung nhận xét, muốn dẫn khách tới thăm bảo tàng, nhất là bảo tàng nhà nước sẽ rất khó. Không phải là khách không có nhu cầu, mà do cách làm của nhiều bảo tàng vẫn không thuận tiện và hấp dẫn khách. Bảo tàng Hòa Bình là một ví dụ. Nằm ngay ngã 3 đường Cù Chính Lan - Sông Đà, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình khá thuận tiện về mặt giao thông, nhưng hầu như rất ít khách tham quan. Bảo tàng cũng được đánh giá là làm tốt công tác sưu tầm, lưu giữ hiện vật. Tuy nhiên, hiện lượng khách rất ít. Lý do là việc liên hệ vào thăm bảo tàng khá khó khăn. “Khách không biết liên hệ với ai? Trong giờ hành chính, cửa bảo tàng vẫn mở, nhưng tìm nhân viên có trách nhiệm để hướng dẫn rất khó. Đã vậy, việc trưng bày tại bảo tàng đơn điệu, bởi theo tôi được biết phần lớn hiện vật có giá trị được cất trong kho”, anh Phạm Hoàng Tân, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm kể.


Cả nước hiện có trên 100 bảo tàng, nhưng số lượng bảo tàng thu hút khách chỉ đếm trên đầu ngón tay: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM)... thu hút được vài trăm lượt khách/ngày. Số còn lại chỉ đón khoảng vài chục lượt khách/ngày.

 

Tìm lối ra


Bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Phượng Hoàng cho biết: “Hầu hết với khách quốc tế khi đi City tour Hà Nội, chúng tôi đều dẫn đến thăm bảo tàng Dân tộc học dù mất 1 buổi, trong khi City tour chỉ có 1 - 1,5 ngày. Lý do chọn bảo tàng Dân tộc học vì đến đây có thể tìm hiểu thông tin cơ bản về 54 dân tộc Việt Nam. Dù vé tham quan không hề rẻ nhưng các công ty lữ hành vẫn đưa khách đến đây bởi cách tiếp đón, giới thiệu khá chuyên nghiệp. Khách cần tìm hiểu vấn đề gì đều được đáp ứng”.


Ông Quốc Trung, đại diện Vidotour cho biết, do kinh tế khó khăn nên khách du lịch quốc tế đã giảm bớt độ dài tour so với những năm trước. Do đó, lựa chọn sản phẩm đưa vào tour chào bán được các công ty lữ hành cân nhắc kỹ. Lượng khách chọn bảo tàng là nơi tham quan chỉ chiếm khoảng 30% tổng số du khách. Chính vì vậy, khi đưa vào sản phẩm tour, đơn vị lữ hành phải chọn những sản phẩm phù hợp. Việc giới thiệu bảo tàng là điểm tham quan sẽ căn cứ vào thị hiếu của khách. Điều cần thiết là bảo tàng phải tạo ra được sản phẩm trưng bày độc đáo, kịp thời đưa thông tin đến các đơn vị lữ hành, du lịch để xây dựng điểm đến trong tour chào bán.


Để thu hút khách quốc tế thì bảo tàng cần chú trọng hơn nữa đến cách thức trưng bày, phải tạo ra được điểm nhấn để khách tập trung chủ đề nhất định. Thêm vào đó cần chú trọng đến các hoạt động tương tác giữa du khách và nội dung trưng bày qua việc giới thiệu về hình ảnh, âm thanh.


Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Những người hoạt động trong bảo tàng không am hiểu về hoạt động du lịch; còn bảo tàng thì gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như du khách kiến nghị bảo tàng cần có hệ thống âm thanh, video giới thiệu, nhưng trong hơn 100 bảo tàng của Việt Nam hiện nay chỉ có 1 bảo tàng trang bị 1 hệ thống âm thanh, video hoàn chỉnh. Nếu so sánh với bảo tàng các nước thì thấy còn rất nhiều khó khăn. Trong công cuộc đổi mới, tư duy làm bảo tàng cũng cần thay đổi. Bảo tàng có hiện vật quý thì cần giới thiệu, quảng bá tới công chúng. Trong đó, du lịch là kênh có thế mạnh và hữu hiệu. Một số bảo tàng được đầu tư, bài trí khá bắt mắt và có điều kiện thu hút khách. Tuy nhiên cách làm ra sao để thu hút khách thông qua cách truyền tải từ hiện vật cần kết hợp ngôn ngữ du lịch và ngôn ngữ bảo tàng.


Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Hiện chỉ có một vài bảo tàng thu hút khách. Nguyên nhân là do bảo tàng chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu và thị hiếu của du khách, chưa có chiến lược gắn kết với hoạt động du lịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng chưa mặn mà giới thiệu, tư vấn cho khách về giá trị các bảo tàng ở Việt Nam. Do chưa tìm được tiếng nói chung nên du lịch và bảo tàng vẫn theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Chúng tôi cũng hiểu một thực tế người làm bảo tàng có cái nhìn nhận khác, và người xem có cảm nhận khác về hiện vật lịch sử. Chính vì vậy, thời gian qua, Bảo tàng Phụ nữ đã thuê chuyên gia nước ngoài tiến hành cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất và tư duy trưng bày triển lãm để phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của du khách. Bảo tàng đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình bảo tàng lịch sử văn hóa sang bảo tàng chuyên về giới, năng động, hiện đại và thu hút hơn. Thiết kế được thay đổi ngay từ cổng vào để thu hút công chúng. Bảo tàng cũng lựa chọn các chủ đề trưng bày thường xuyên mới, mà gần đây nhất là 3 chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ. Bên cạnh đối tượng thu hút là học sinh, sinh viên, kênh quảng bá chúng tôi đang tiếp cận là các công ty lữ hành. Thực tế cho thấy, mỗi thị trường khách có cách tiếp cận riêng, điều này chúng tôi còn rất thiếu và cần có sự hợp tác với các hãng lữ hành.

 

Trần Hùng, HDV: Nhiều bảo tàng nhà nước vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp, chưa mặn mà làm du lịch. Nhiều khi chúng tôi biết rõ bảo tàng có nhiều hiện vật nhưng không biết liên hệ với ai? Hiện vật đó đặt ở đâu? Nếu khách có nhu cầu tìm hiểu sâu về văn hóa thường phải làm công văn rất lâu và thường thì hiện vật quý hay cất ở trong kho. Bên cạnh đó, bảo tàng rất thiếu thông tin cho khách. Thường chỉ khi nào bảo tàng quan tâm tới khách du lịch, họ sẽ in khá đầy đủ thông tin, làm đĩa CD và các hoạt động bổ trợ để giới thiệu.

 

Đại diện Công ty lữ hành quốc tế Exotixmo: Khách thường quan tâm tới những bảo tàng có những trưng bày gắn với cuộc sống thường ngày. Chính vì vậy, đối với khách có thời gian rảnh, chúng tôi cung cấp thông tin về những bảo tàng có thể đến thăm. Tuy nhiên, những thông tin về bảo tàng chúng tôi rất thiếu. Đội ngũ hướng dẫn viên không phải ai cũng có đủ tài liệu và kiến thức bao quát tất cả để giới thiệu nên những bảo tàng có chủ trương thu hút khách cần có những cuốn tài liệu chuyên đề giới thiệu với các hãng lữ hành để HDV chủ động giới thiệu kỹ hơn.

 

Xuân Cường