02:11 10/02/2011

Khi mẹ sinh em trai

Vợ tôi sinh cháu trai thứ hai khi cháu gái lớn của chúng tôi được 6 tuổi. Có được thằng cháu đích tôn, ông bà nội mừng lắm. Từ khi ra đời, cu cậu nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thành viên trong gia đình.

Vợ tôi sinh cháu trai thứ hai khi cháu gái lớn của chúng tôi được 6 tuổi. Có được thằng cháu đích tôn, ông bà nội mừng lắm. Từ khi ra đời, cu cậu nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thành viên trong gia đình.


Đương nhiên là thế rồi, “lý do” cũng chỉ vì cu cậu là thành viên nhỏ nhất, suốt ngày chỉ biết có khóc và ngủ. Ai cũng nghĩ vậy và cho rằng, cu cậu nhận được sự chăm sóc, quan tâm của mọi người là chính đáng, chỉ có một người không nghĩ thế. Đó là cô chị của cu cậu.

Từ ngày có em, con gái tôi ra vẻ người lớn hơn hẳn và cũng không ngần ngại bày tỏ thái độ tỵ nạnh với em. Nhiều hôm, cu cậu vừa ăn xong môt trận no nê thì nôn ra hết sạch, làm ướt hết quần áo của cả hai mẹ con.


Ông bà và bố thấy vậy thì xông đến hỏi han xem thằng bé có bị sao không. Cô chị thấy vậy thì đưa ra một tuyên bố xanh rờn: “Nôn rồi lại ăn. Sao người lớn cứ phải quan tâm quá đến em bé như vậy nhỉ? Làm như vậy nó sẽ hư đấy”. Rồi khi thấy em có nhiều khăn mặt, quần áo, con gái tôi cũng “thăm dò”: “Trước đây, con có nhiều quần áo đẹp như vậy không?”.

Một lần khác, khi cu cậu tập lẫy, đã lật được mình rồi như chưa rút được cánh tay lên nên cu cậu hét toáng lên để cầu cứu. Vợ tôi thấy vậy, thì vội vã chạy lại bên con, nựng: “Khổ thân con trai mẹ quá”.


Cô chị nghe thấy vậy thì thút thít khóc. Tưởng là chị thương em, vợ tôi chạy lại nói với con gái: “Em không sao đâu, con”. Không ngờ, con gái tôi phản ứng lại: “Em chỉ có mỗi việc không rút được tay lên mà mẹ cũng xuýt xoa, còn con, có lần con nhảy bậc cầu thang, bị trượt chân, mẹ chẳng xuýt xoa tí nào, còn mắng lần sau phải chừa cái thói đi đứng kiểu này đi. Rõ là mẹ thương em hơn con”. Nghe vậy, cả hai vợ chồng tôi ngẩn người ra.

Lại có lần, thấy cu cậu mặc chiếc áo có in hình đám mây hồng và mây trắng, bà liền gọi: “Mây hồng, mây trắng của bà ơi”; thấy vậy, con gái tôi hắng giọng không chút thiện cảm: “Thế còn con là mây đen chắc? Mây đen thì không được yêu quý bằng mây hồng rồi. Con biết thế mà”. Thế là bà nội lại được một phen không biết phải trả lời ra làm sao.

Nói thực lòng thì chúng tôi không bao giờ có thái độ nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai con. Có cách nào để con gái tôi yêu quý em không, chứ nếu không thì “chiến tranh” giữa “hai ngôi sao” sẽ còn tiếp tục xảy ra.

T.T.K (Hà Nội).

Rõ ràng là anh chị chưa thực hiện tốt “công tác tư tưởng” cho cô con gái về việc cháu sẽ có một cậu em bé bỏng.

Với những trẻ ở lứa tuổi này, việc có thêm em bé dễ khiến chúng bị sốc, bởi lẽ trước đây, chúng là “trung tâm của vũ trụ” nhưng nay có một thành viên mới “chiếm” mất vị trí này.

Để trẻ “chấp nhận” việc bị “cướp đoạt ngôi vị”, các bậc phụ huynh phải làm tốt “công tác tư tưởng”. Ngay từ trước khi em bé chào đời, bố mẹ phải thường xuyên cho trẻ “trò chuyện” với em bé trong bụng mẹ bằng những lời nói, cử chỉ âu yếm.


Người lớn cũng cần cho trẻ biết rằng, việc có thêm em bé không ảnh hưởng đến tình cảm của ông bà, bố mẹ dành cho trẻ... Nếu được chuẩn bị trước về tinh thần như vậy, trẻ sẽ không hoặc ít bị sốc hơn.

Với trường hợp của gia đình anh, đã quá muộn để thực hiện các bước chuẩn bị như trên. Tuy nhiên, không phải đã hết cách làm cho con gái anh yêu quý em bé. Anh chị nên dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con gái, tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ của con để kịp thời điều chỉnh lại hành vi của mình.


Người lớn cũng nên “kéo” con vào những việc chăm sóc em bé như hát cho em nghe, cùng mẹ chuẩn bị quần áo cho em trước khi em bé tắm. Thỉnh thoảng, mẹ nên để em bé nằm một mình để âu yếm con lớn bởi tâm lý của trẻ lúc này là rất “thèm” tình cảm của mẹ.

Một điều nữa người lớn cũng cần lưu ý là không bao giờ được nói từ “ra rìa” trước mặt bé. Tuy không hiểu hết ý nghĩa của từ này nhưng hầu hết các bé đều cảm nhận rằng từ này ám chỉ một điều chúng không được bố mẹ yêu như trước lúc chúng có em bé.

Thực ra, để trẻ yêu quý em không khó; chỉ cần người lớn để ý và điều chỉnh hành vi của mình một chút là thành công.

Hiền Hòa