04:00 24/04/2018

Khi lãnh đạo Pháp-Mỹ 'bắt tay nhau thật chặt'

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 23/4 đã đến Washington trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ để gặp Tổng thống Donald Trump. Hai người đồng cấp đang có mối quan hệ ngày càng khăng khít, vậy diễn biến này hàm chứa điều gì?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân tới Sân bay quân sự Andrews chiều 23/4, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ. Ảnh: VOA

Đài BBC (Anh) cho rằng các mối quan hệ quốc tế của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhiều lần gây ra bối rối. Đơn cử như việc không lâu sau khi đảm nhận vị trí tổng thống, ông Macron đã bỏ qua nhiều đồng minh chiến lược và chọn người đồng cấp Nga Vladimir Putin là vị khách quốc tế đầu tiên. Và mặc dù vừa tham gia với Mỹ và Anh không kích Syria ngày 14/4, Tổng thống Macron dự kiến trong tháng 5 tới sẽ thăm Moskva.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Điện Elysee ở Paris ngày 13/7/2017. Ảnh: Reuters

Nhưng mối quan hệ gây chú ý nhất của ông Macron là với Tổng thống Donald Trump. Điện Elysée miêu tả Tổng thống Pháp và người đồng cấp Mỹ “rất thân thiết” và dường như hai nhà lãnh đạo này thực sự "đồng điệu". Điều này phần nào khiến Pháp vượt qua Đức và Anh để trở thành "địa chỉ liên hệ" ưu tiên của Mỹ tại châu Âu hiện nay.

Yếu tố xây dựng tình bạn

Ông Nicolas Dungan tại Hội đồng Atlantic có trụ sở ở Washington (Mỹ) đánh giá Tổng thống Pháp đã ghi nhận và tôn trọng ông Trump, đó là chiến thuật hiệu quả.

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), khả năng thông thạo tiếng Anh cũng phần nào giúp ông Macron xây dựng quan hệ với Tổng thống Trump. Trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tháng 5/2017, ông Macron đã bắt tay Tổng thống Trump rất chặt và lâu.

Đến tháng 7/2017, tại Paris, Tổng thống Trump cũng có cái bắt tay kéo dài "kỷ lục" 29 giây với người đồng cấp Pháp. Cựu chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) Francois Heisbourg đã nhận xét cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo là “khởi đầu của một tình bạn tuyệt vời”.

Dưới đây là video về cái bắt tay 29 giây nổi tiếng giữa lãnh đạo Pháp-Mỹ (nguồn: CNN):



Việc Anh rời khỏi liên minh châu Âu và các chính sách đặc thù của Đức với thương mại, nhập cư, đã “mở đường” để Tổng thống Macron gần gũi hơn với ông Trump. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ quan điểm không ủng hộ thuế nhập khẩu thép của Mỹ cũng như chủ trương “Nước Mỹ trên hết” từ Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó còn có lý do cá nhân trong mối gắn kết của lãnh đạo Pháp-Mỹ. Cả Tổng thống Macron và người đồng cấp Trump đều đang gây nhiều biến động trong hệ thống chính trị tại đất nước họ. Cả hai đều có xu hướng thẳng thắn và muốn tạo ra hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ.

Kể từ khi Tổng thống Macron nắm quyền lãnh đạo, ông cam kết khôi phục địa vị của Pháp trên trường quốc tế. BBC đánh giá mối quan hệ thân thiết của Tổng thống Macron với ông Trump có thể giúp nâng cao hình ảnh và đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của Pháp.

Pháp có phương pháp khá thực tế với Washington, và là đồng minh dựa trên lợi ích thay vì có chung quan điểm.
Lợi ích song phương chủ yếu nằm ở vấn đề an ninh và chống khủng bố.

Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ thân mật tại hội nghị NATO ở Brussels, Bỉ (Nguồn: Bloomberg):




Khi tình bạn không chung một dòng kẻ


Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự “lệch pha” giữa Tổng thống Pháp và người đồng cấp Mỹ. Gần đây, ông Macron từng khẳng định đã thuyết phục Tổng thống Trump duy trì hiện diện quân sự tại Syria và không rút quân về nước. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phủ nhận điều này. Đến nay, vẫn chưa có nhiều bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Pháp Macron có thể gây ảnh hưởng tới Tổng thống Trump trong những vấn đề then chốt như biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran và Jerusalem.

Pháp luôn muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015 trong khi đó Tổng thống Trump lại cảnh cáo có thể từ bỏ thỏa thuận này trong tháng tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Pháp trong một sự kiện. Ảnh: AFP

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài 3 ngày của Tổng thống Macron được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để hai nhà lãnh đạo bàn luận về khác biệt trong chính sách. Tổng thống Pháp cũng dự kiến phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Ngoài ra, trong chương trình nghị sự, Tổng thống Pháp có khả năng sẽ trao đổi với người đồng cấp Trump về cuộc xung đột tại Syria, kế hoạch đánh thuế của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu cũng như quyết định gây tranh cãi của Washington coi Jerusalem là thủ đô của Israel.

Các chuyên gia cũng đánh giá những mối quan hệ của Tổng thống Trump thường khó đoán định do vậy ông Macron khá cẩn trọng không chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ về phương diện cá nhân. Ngoài ra, trong trường hợp quyết định từ Tổng thống Trump gây tổn hại tới lợi ích của Pháp thì ông Macron sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ cử tri Pháp.

Hà Linh/Báo Tin tức