11:23 17/11/2016

Khi Lan Hương yêu Kiều, yêu Nguyễn Du

Chưa có kết quả cuối cùng của Liên hoan, nhưng sau 1 đêm diễn dài và cứ muốn dài nữa này, vị trí của “Nguyễn Du với Kiều” trong lòng khán giả đã được ấn định. Một vở diễn mà chất nghệ thuật khiến ta phải thấy tiếc, nếu nó không được đưa vào kịch mục diễn của Nhà hát, để đông đảo công chúng được xem!

Nàng Kiều trong vở diễn được sinh ra trên mộ của Đạm Tiên, vào giờ Tý, và thần hộ mệnh cũng chính là nàng Đạm Tiên. Những "dấu hiệu" cho cuộc đời bất hạnh của nàng đã bắt đầu ngay từ đó.

Gần hai tiếng đồng hồ vừa xem vừa sợ vở diễn hết. Gần hai tiếng đồng hồ mắt rưng rưng. Gần hai tiếng đồng hồ khóc cùng Thúy Kiều, cùng Đạm Tiên, cùng Nguyễn Du và cùng Hồ Xuân Hương.


Có ai trong khán phòng của Nhà hát Tuổi trẻ tối 17/11 mà “thoát” được những cảm giác ấy. Bởi lẽ, vở kịch hình thể “Nguyễn Du với Kiều” mà NSND Lan Hương dàn dựng lại để tham dự Liên hoan Sân khấu Quốc tế thử nghiệm lần thứ 3, đã trọn vẹn tới mức không muốn trọn vẹn hơn.


Kịch bản: Sâu sắc và nhân hậu


Chưa từng một phút nghi ngờ tài năng của NSND - đạo diễn Lan Hương, càng đã được “khuất phục” bởi vở diễn kịch hình thể “Nguyễn Du với Kiều” bản năm 2012; nhưng với vở diễn lần này, xem vẫn thấy mới, vẫn thấy tròn đầy, sự tròn đầy của nghệ thuật, khiến vở diễn đáng đến từng phút, nếu không muốn nói là từng giây. Vả có nói thế, cũng không thấy quá!


Một vở kịch trong kịch, một câu chuyện trong chuyện. Vở kịch với hai nhân vật chính là Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương, lồng vào đó là vở kịch về thân phận nàng Kiều, về cuộc đời “bảy nổi ba chìm” của người con gái tài sắc vẹn toàn ấy.

Nhân vật Nguyễn Du trong vở diễn được tác giả kịch bản NSND Lan Hươngc khắc họa với tinh thần nhân văn, tấm lòng yêu cái đẹp, yêu chính nghĩa, thể hiện qua những vẫn thơ của ông.

Một câu chuyện về thân phận của người nghệ sĩ trong xã hội cũ, và riêng tư hơn là người nữ sĩ với đủ cả sự đau đáu của nghệ sĩ cũng như sự nghiệt ngã của thân phận đàn bà; và một câu chuyện về 15 năm lưu lạc “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” của Thúy Kiều.


Hai vở kịch ấy, hai câu chuyện ấy, có lúc tách riêng, có lúc đan xen với nhau. Có lúc Nguyễn Du là tác giả, là người kể chuyện, là người dẫn dắt chuyện; nhưng có lúc ông lại “nhao” vào câu chuyện, trở thành nhân vật trong đó, lúc là Từ Hải, lúc là Kim Trọng, lúc lại là Thúc Sinh, Sở Khanh. Và nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng không ngoại lệ, có lúc đứng ngoài để gắt lên trách Nguyễn Du ác với Kiều, nhưng rồi cũng có lúc lao vào thành nhân vật Hoạn Thư để sẻ chia cái thân phận “chồng chung có dễ ai chiều cho ai”, lúc lại trở thành vãi Giác Duyên để hóa duyên cho Kiều trở về với đời…


Cũng rất nhiều lúc, không còn “đóng vai” nhân vật nào, mà Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương ở đúng vai của mình- một nhà thơ, lao vào câu chuyện, để xót thương Kiều, nâng đỡ Kiều, để khóc cùng Kiều, để kêu tiếng kêu “đứt ruột” cho Kiều…


Chính bởi thế, chất nhân văn trong vở diễn đậm đặc hơn bao giờ hết, sự chân thật và tính thuyết phục của câu chuyện cũng cao hơn bao giờ hết. Kiều đã không còn là một nhân vật trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nữa, mà nàng đã trở thành một con người- một con người hứng chịu bi kịch của một xã hội thối nát, “nén bạc đâm toạc tờ giấy” và tình người ngày càng ít ỏi. Một con người “người” hơn bao giờ hết, nên cũng vì thế khiến người xem cảm thông hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà gần hai tiếng đồng hồ, có ai không cay mắt vì Kiều, vì Nguyễn Du, vì cả Đạm Tiên và vì cả Hồ Xuân Hương đâu. Những thân phận, những nhân vật- của một vở diễn- nhưng mang trong nó cả một câu chuyện cuộc đời, với những “bể khổ” mà không ai không ít nhất một lần trải qua trong đời, theo cách này, hay cách khác.


Tất nhiên, không ai có thể “khổ” hơn Kiều trong vở diễn nữa. Một Kiều “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, rồi trải qua bao dập vùi gió mưa, lần nào cũng muốn tin người, cũng muốn hy sinh cho người, nhưng rồi đều rơi vào bất hạnh. Kiều trong kịch vì muốn cứu cha mẹ, hai em mà bán mình cho Mã Giám Sinh, những tưởng về làm vợ, ai ngờ vào lầu xanh. Kiều trong kịch, yêu Thúc Sinh vì cái hào hoa giống Kim Trọng, lại những tưởng một lần được hạnh phúc, rồi lại vì cái ghen nổi tiếng lịch sử của Hoạn Thư mà khốn khổ. Kiều trong kịch, cũng vì muốn giúp Từ Hải không phải chinh chiến, tin lầm Hồ Tôn Hiến, để rồi phải hầu rượu, hầu đàn kẻ vừa đâm chồng mình chết đứng.


Đừng ai trách vì sao Kiều nhẹ dạ, người đàn ông nào cũng tin. Trong cái hoàn cảnh “hoa trôi man mác biết là về đâu” của nàng, thì sự bấu víu vào lòng tin, vào việc muốn tin và muốn hy vọng, là điều dễ hiểu. Cũng vì muốn tin, muốn yêu như thế, từ ngày đầu với Kim Trọng, tới ngày cuối với Từ Hải, đã khiến Kiều phải chịu kiếp nạn:

Có trời mà cũng tại ta

Tu là cõi phúc tình là dây oan

Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

Lại mang lấy một chữ tình

Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Ma đưa lối quỉ dẫn đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.


Nhưng con người ấy, chưa từng vì thế mà ngừng biết yêu và biết tin con người. Âu đó cũng là điều đáng quý ở nàng Kiều!


Những giá trị nghệ thuật lấp lánh


Không thể phủ nhận sự dụng công của đạo diễn- NSND Lan Hương trong từng thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ, âm nhạc, cũng như diễn xuất của diễn viên. Dường như khó tìm ra được điều gì để chê.

Nguyễn Du trong kịch bản phải thú nhận: "Tài mệnh tương đố, định mệnh của nàng đã kéo cả tôi theo. Nếu có thể cho tôi viết lại thì vẫn cứ thế thôi, để chúng ta có được một nàng Kiều".

“Nguyễn Du và Kiều” không còn một chút gì để ta nghĩ tới “Kim Vân Kiều” cả; bởi nó thuần Việt tới 100%; thuần Việt tới mức khiến những khán giả nước ngoài thấy vô cùng độc đáo còn khán giả trong nước thấy vô cùng thích thú. Sân khấu cả vở diễn chỉ có 1 cảnh: Bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở trên cao, những bậc thang tứ phía, những dải lụa trắng rủ và nấm mộ Đạm Tiên. Thêm cây đàn được “xẻ nửa”, Kiều một mảnh, Đạm Tiên một mảnh, như một sợi dây định mệnh níu họ lại với nhau, sẻ chia một đời bạc mệnh với nhau.


Người xem dường như thấy cái cốt “nhà Phật” phủ đẫm trong đó: Đức Phật từ trên cao rọi mắt xuống nhân gian, chứng kiến hết, thấu hiểu hết; mọi câu chuyện, mọi số phận đều nằm trong lòng bàn tay Đức Phật, con người nào, số phận nào thì vẫn sẽ phải chịu số phận ấy, không thể thoát ra được. Vậy nên, dù Nguyễn Du có lúc từng phát điên vì thấy Kiều khổ, vì thấy mình “đẩy” Kiều vào bất hạnh, nhưng ông cũng không thể cứu vớt Kiều và đến phút cuối, cũng không thể nào thay đổi được câu chuyện về đời nàng Kiều. Rồi Hồ Xuân Hương, rồi Đạm Tiên, đều là những người muốn cứu Kiều, nhưng cũng không ai có thể cứu được, chỉ có thể chứng kiến, cảm thông, nâng đỡ và xót thương.


Vở diễn cũng mang tới cho người xem một không gian ngập tràn của nhạc truyền thống. Đó là dân ca Bắc bộ, dân ca Huế, là làn điệu chèo, là hát chầu văn. Rồi những làn điệu du xuân, “Con nhện giăng mùng”, “Sa lệch chênh”, “Quân tử vô dịch”, “Làn thảm”, “Tò vò”, “Cấm giá”, “Ru kệ”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Cờn xuân”... đều xuất hiện. Nói không ngoa, âm nhạc đã trở thành một nhân vật “đắc địa” trong vở diễn.


Tài năng của đạo diễn (cũng chính là tác giả của kịch bản) thì đã được khẳng định, nhưng tài năng của diễn viên thì càng không thể bỏ qua. Bùi Như Lai đã vào vai Nguyễn Du, rồi Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Sở Khanh; đủ cung bậc đạt nhất trong những vai Như Lai đã đóng lâu nay. Hương Thủy vào vai Hồ Xuân Hương, Thúy Vân, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên, Vương Bà; cũng vô cùng đặc biệt. Diễn viên trẻ Bùi Hồng Phương khiến nhân vật Thúy Kiều được lột tả tuyệt vời. Ngay những vai phụ như Hoàng Tùng trong vai Mã Giám Sinh cũng rất thành công. Cũng dễ hiểu, một vở diễn hay sẽ khiến diễn viên thỏa mãn vô cùng khi được diễn.


Chưa có kết quả cuối cùng của Liên hoan, nhưng sau 1 đêm diễn dài và cứ muốn dài nữa này, vị trí của “Nguyễn Du với Kiều” trong lòng khán giả đã được ấn định. Một vở diễn mà chất nghệ thuật khiến ta phải thấy tiếc, nếu nó không được đưa vào kịch mục diễn của Nhà hát, để đông đảo công chúng được xem!

T.Anh. Ảnh: Thế Toàn.